Nhiều bạn vẫn còn thắc mắc về việc xét nguyện vọng năm nay do có một vài sự thay đổi trong tuyển sinh. Mời các bạn đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về cách xét nguyện vọng 2022.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
1. Có thể đăng ký 2 hay 3 tổ hợp khi xét nguyện vọng được không?
Thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, thí sinh phải dự thi các môn trong tổ hợp đó. Ví dụ: Bạn có thể đăng ký tổ hợp A00, D01 và bắt buộc phải thi đủ Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, Văn.
2. Xét học bạ có cần đăng ký nguyện vọng như thế nào?
Xét học bạ là phương thức riêng theo yêu cầu riêng của từng trường. Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD&ĐT đổi mới việc lọc ảo chung cho tất cả các phương thức. Vì thế, dù bạn xét tuyển nhiều phương thức như xét học bạ, xét kết hợp, xét điểm thi tốt nghiệp THPT... cũng đều phải đăng ký chung trên hệ thống.
Chẳng hạn như bạn đăng ký xét điểm thi trường A, xét học bạ trường B... thì đến thời gian đăng ký nguyện vọng (sau khi thi xong) bạn phải đăng ký cả trường B. Thứ tự sắp xếp nguyện vọng theo mong muốn của mỗi thí sinh. Nếu muốn học trường A nhất, để trường A lên NV1.
Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung vẫn phải đăng ký xét tuyển tại cơ sở đào tạo, nếu cơ sở đào tạo có yêu cầu. Tức là nếu trường ĐH yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ về trường, đăng ký trực tuyến trên website trường thì thí sinh phải đăng ký và đến lúc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung, phải tiếp tục đăng ký lại.
3. Khi không đỗ nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2 có bị tăng điểm không hay xét nguyện vọng 2 có phải cao điểm hơn nguyện vọng 1 không?
Câu trả lời là không. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các nguyện vọng trong cùng một đợt xét tuyển được các trường Đại học xét bình đẳng như nhau, không phân biệt nguyện vọng 1, 2 hay 3,4,5... Vì thế, thí sinh dù đăng ký ở nguyện vọng 1 hay nguyện vọng 10 vào cùng 1 ngành đều được các trường xét tuyển bình đẳng như nhau, thí sinh điểm cao sẽ được xét trúng tuyển trước.
4. Thí sinh tự do chỉ xét học bạ đăng ký thế nào?
Thí sinh đã có bằng THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp đăng ký nguyện vọng để xét tuyển bằng phương thức khác với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng phải đăng ký, nhưng chỉ phải khai từ mục 1 đến mục 11 và mục 13 trên phiếu đăng ký dự thi.
Tất cả thí sinh phải đánh dấu vào mục 9 trên phiếu đăng ký, kể cả thí sinh không sử dụng điểm thi THPT để xét tuyển. Khi tích vào mục 9 thí sinh diện không sử dụng điểm thi THPT để xét tuyển sẽ không phải khai báo môn thi. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống vẫn phải đăng ký xét tuyển tại cơ sở đào tạo nếu cơ sở đào tạo có yêu cầu.
5. Đỗ nguyện vọng 1 và 2 nhưng lại muốn học ở trường nguyện vọng 2 có được không?
Thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất. Nếu đã đỗ nguyện vọng 1, hệ thống sẽ tự ngừng xét tuyển các nguyện vọng sau. Vì thế, thí sinh không thể học ngành có nguyện vọng ưu tiên thấp hơn trong cùng một đợt xét tuyển đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu trong đợt xét tuyển đầu tiên, bạn không xác nhận nhập học với trường ở nguyện vọng 1 thì sẽ coi như từ chối học và có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Lúc này, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào trường ở nguyện vọng 2. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro vì ngành bạn muốn vào có thể không xét tuyển đợt bổ sung. Bạn cần xác định kỹ để đưa ra quyết định phù hợp tránh phát sinh những điều không hay.
6. Hệ thống chạy lọc ảo sẽ khiến thí sinh trúng tuyển vào ngành khác trong tình huống trúng tuyển nhiều nguyện vọng?
Nếu thí sinh đã xác định được ngành mình yêu thích nhất và đặt nó ở vị trí số 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì khi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng này, chắc chắn thí sinh sẽ được tuyển vào ngành yêu thích, không có chuyện bị tuyển chệch sang ngành khác.
7. Đăng ký vào trường A xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, ngoài ra, vẫn xét học bạ vào trường A nữa thì có được không?
Thí sinh vừa có thể đăng ký nguyện vọng vào trường A đồng thời xét học bạ vào trường đó. Thí sinh hoàn toàn có thể không đỗ trường A bằng xét học bạ nhưng lại đỗ bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.
8. Năm nay có được điều chỉnh nguyện vọng không?
Năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng không cùng lúc với đăng ký dự thi tốt nghiệp. Sau khi thi xong, thí sinh mới bắt đầu đăng ký trong một khoảng thời gian quy định. Hết thời gian này, hệ thống sẽ chốt nguyện vọng và không còn đợt điều chỉnh.
9. Lọc ảo chung, vậy nếu đỗ trường xét học bạ và muốn học trường đó thì phải làm thế nào?
Nếu đỗ trường xét học bạ, thí sinh đặt trường đó làm NV1. Như vậy tất cả các nguyện vọng sau sau khi chạy lọc ảo sẽ không được tính nữa và thí sinh sẽ theo học trường đỗ học bạ. Trong trường hợp nếu đỗ trường xét học bạ mà chưa muốn học thì có thể đặt các trường khác theo phương thức khác làm nguyện vọng cao hơn.
10. Có được đăng ký một tổ hợp cho nhiều ngành trong cùng một trường Đại học?
Câu trả lời là có. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký một tổ hợp cho 2 ngành hoặc nhiều ngành trong cùng một trường. Bạn điền mỗi ngành là một nguyện vọng riêng. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng một tổ hợp để xét tuyển vào các ngành, trường khác nhau.
11. Có được đăng ký một ngành nhưng sử dụng 2 tổ hợp khác nhau không?
Bạn hoàn toàn có thể đăng ký một ngành, một trường với 2 tổ hợp xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh không thể đăng ký ở cùng một nguyện vọng, mà phải điền lần lượt vào các nguyện vọng từ 1,2,3...
Nếu ngành mình dự định đăng ký có nhiều tổ hợp xét tuyển, trường đưa ra chung 1 điểm chuẩn cho các tổ hợp thì các bạn chỉ cần chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất. Trong khi đó, nếu trường xét tuyển theo từng tổ hợp, mỗi tổ hợp có mức điểm chuẩn riêng thì nên đăng ký nhiều để tăng cơ hội.
Xem thêm: |
Jennie