Nhiều giáo viên cho rằng vì đề thi chính thức THPT quốc gia 2019 dễ hơn so với năm 2018 nên điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) của các khối cũng sẽ tăng nhẹ.
Thầy Tạ Quang Quyết - giáo viên dạy Lịch sử tại Hà Nội - đánh giá đề thi các môn KHXH trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 có sự điều chỉnh về mức độ so với năm 2018. So với năm ngoái, đề Lịch sử có giảm về độ khó nhưng không nhiều. Thí sinh năm nay có thể đạt được điểm 7 nhưng điểm giỏi như 8-9 sẽ không nhiều và sẽ hiếm điểm 10.
Đề thi tổ hợp KHXH có độ phân hóa tốt từ câu 28 trở lên để lựa chọn thí sinh vào Đại học, Cao đẳng. Trên cơ sở đó, thầy Quyết dự đoán mức trúng tuyển vào các trường đại học có thể tăng từ 1-1,5 điểm.
Cô Vũ Thị Mai Phương - giáo viên dạy Tiếng Anh cho rằng đề thi Tiếng Anh năm nay dễ hơn năm 2018, đặc biệt ở phần đọc hiểu, tìm lỗi sai và cả ngữ pháp. Học sinh trung bình cũng có thể dễ dàng đạt 5-6 điểm. Những bạn học tốt Tiếng Anh, dự thi khối A1, D sẽ có nhiều điểm 8-9. Vì vậy, cô Phương dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-1,5 điểm.
Thầy Phạm Văn Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - nhận định thí sinh không khó khăn để lấy 6 điểm ở môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh. Với môn Vật lý, phổ điểm trung bình khoảng 6-7 điểm, điểm 9 sẽ nhiều hơn năm ngoái nhưng sẽ rất ít thí sinh được 10 điểm.
Dự đoán Vật Lý, Hóa Học, Tiếng Anh sẽ khiến mức trúng tuyển đại học tăng khoảng 0,5 điểm cho mỗi tổ hợp xét tuyển có các môn này. Thầy Phạm Văn Tùng cho rằng điểm chuẩn vào các trường top dưới hoặc tầm trung, điểm chuẩn khối A, A1 biến động khá mạnh, khoảng 1 đến 2 điểm. Các trường hoặc ngành "hot", điểm chuẩn khối A, A1 có thể tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm, hoặc giữ nguyên như năm trước.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự đoán. Hiện tại, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức các môn trắc nghiệm, học sinh cũng đoán được phần nào điểm số của mình. Điểm chuẩn vào các trường có tăng hay không được dự đoán chính xác hơn khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi. Lúc đó, các em sẽ có căn cứ đối chiếu với phổ điểm năm 2018.
Xem thêm: |
Suzy