Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2024. Các giáo viên, chuyên gia đã có nhận định cơ bản về đề thi tham khảo này, từ đó, thí sinh có thể có định hướng học tập cho mình.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Đề thi tham khảo Môn Ngữ văn
Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Trưng Vương, nhận xét đề minh họa môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm nay giữ nguyên cấu trúc cơ bản như những năm trước.
Đề vẫn như năm 2023 với phần đọc hiểu và làm văn với cấu trúc điểm như trước đó và cũng đạt được độ phân hóa và có chiều sâu mang tính giáo dục.
Về phần đọc hiểu, ngữ liệu trong câu đọc hiểu mới mẻ, buộc học sinh phải "đọc và suy ngẫm" để có thể đưa ra những câu trả lời chính xác. Không chỉ vậy, trong phần đọc hiểu có phần từ suy ngẫm của tác giả về Những đám mây cuối trời để học sinh liên hệ đến bản thân, các em rút ra bài học về lẽ sống. Phần này cũng rất logic với phần làm văn ở sau. Thực sự có sự gắn kết trong đề thi này trong cả nội dung đề thi.
Ở phần làm văn, câu 1 là phần yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ trình bày về suy nghĩ và ý nghĩa của thái độ sống tích cực.
Yêu cầu này không đánh đố học sinh mà vẫn liên kết được với phần đọc hiểu ở trên, lại có tính giáo dục và rất phù hợp với học sinh trong điều kiện sống nhiều áp lực của các em hiện nay, hướng học sinh đến lối sống lạc quan, tích cực.
Câu 2 trong phần làm văn yêu cầu học sinh phân tích trích đoạn "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đề văn này có thêm sự phân hóa khi yêu cầu học sinh nhận xét về tình cảm của nhà văn đối với sông Hương.
Đề thi tham khảo Môn Toán
Cô Nguyễn Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ Toán Tin Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp - cho biết: "Về nội dung, hình thức và mức độ, đề thi tham khảo không thay đổi so với các năm học trước.
Có 5 câu ở chương trình lớp 11 đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 45 câu chương trình lớp 12.
Từ câu 1 đến câu 38 mang tính chất xét tốt nghiệp, đa số là câu nhận biết, chỉ một số ít câu ở mức độ thông hiểu.
Các câu từ 39 đến 50 có tính phân hóa cao giúp phân loại học sinh. Đặc biệt, câu 45 mang tính ứng dụng thực tế về chi tiết máy".
Cô Hồng nói thêm: "Năm nay là năm cuối học chương trình cũ. Với đề tham khảo như thế này, giáo viên và học sinh hoàn toàn yên tâm với định hướng dạy và học trong giai đoạn ôn luyện chuẩn bị về đích". Tuy nhiên, cô Hồng mong muốn có thêm một số câu hỏi vận dụng toán học vào thực tiễn để đề thi có nhiều màu sắc hơn.
Với 5 câu cuối, thầy Lưu Huy Thưởng lưu ý, đề thực tế có thể là dạng bài khác, đề tham khảo không thể nói hết dạng bài vận dụng cao. Do vậy, muốn đạt mục tiêu 9+ ngoài luyện kỹ năng thành thạo, nếu chỉ ôn tủ theo dạng đề tham khảo thì khó đạt điểm tối đa, do vậy cần ôn rộng các dạng bài vận dụng cao.
Đề thi tham khảo Môn Tiếng Anh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy Trần Ngọc Hữu Phước, tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: Đề minh họa môn tiếng Anh về độ khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ vững so với năm ngoái, không biến động nhiều. Cấu trúc của đề thi vẫn giữ như năm ngoái về độ phân hóa và cũng phù hợp với năm cuối học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình phổ thông 2006.
Với cấu trúc đề này, chỉ cần học trong sách giáo khoa và một chút vận dụng, học sinh có thể dễ dàng lấy được điểm 7, điểm 8. Với đề minh họa này, phần khó trong đề tiếng Anh sẽ rơi vào bài đọc hiểu và một số câu về thành ngữ, từ vựng. Bài đọc hiểu sẽ thử thách học sinh.
Còn phần từ vựng, thành ngữ là những câu đòi hỏi học sinh phải đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, làm những bài tập nâng cao mới làm được những phần này. Đây là phần để học sinh kiếm điểm 9, điểm 10.
Những câu ngữ pháp, dấu nhấn, tìm lỗi sai trong đề minh họa môn tiếng Anh cũng đều nằm trong chương trình 12. Học sinh học kỹ chương trình 12 đều có thể làm được hết, không khó.
Đề thi tham khảo Môn Vật lý
Thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên hệ thống Tuyensinh247.com đánh giá, đề tham khảo môn Vật lý năm 2024 vẫn theo tinh thần, cấu trúc, mức độ phân hóa như đề thi tốt nghiệp THPT 2023. 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu).
Thầy Toản dự đoán, phổ điểm chủ yếu từ 5 - 7, ít điểm từ 9 - 10, còn điểm 10 tuyệt đối vẫn ít. Các câu vận dụng cao vẫn rơi vào chương Dao động cơ (Hệ dao động), Dòng điện xoay chiều (đồ thị, mạch điện), Sóng cơ và sóng âm (Giao thoa sóng). Có hai câu khai thác đồ thị. Nhìn chung các câu lấy điểm 9,5 - 10 đều khá nặng về Toán học.
Học sinh cần chú ý hơn ở câu hỏi thông hiểu, đặc biệt là những câu trắc nghiệm định tính. Đôi khi đọc xong có cảm giác rất dễ nhưng có khi bị lừa về mặt bản chất Vật lý. Đến những câu này, thí sinh cần bình tĩnh đọc kĩ câu hỏi, không vội vàng trong việc chốt đáp án cuối cùng.
Đề thi tham khảo Môn Hóa học
Đề thi môn Hóa học gồm 40 câu hỏi trong đó có 30% (12 câu) số câu hỏi là bài tập tính toán, 70% (28 câu) số câu hỏi lý thuyết. Tương tự như đề thi Tốt nghiệp THPT môn Hóa năm 2023, đề thi có một số câu hỏi gắn liền với đời sống thực tế và cần kết hợp các kiến thức của nhiều chuyên đề, nhằm giúp học sinh vận dụng tốt hơn các kiến thức đã học vào cuộc sống.
Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Hóa học 12 là: Este, lipit; kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất; tổng hợp hoá học vô cơ.
Đề thi tham khảo Môn Sinh học
Với môn Sinh học, cấu trúc đề minh họa năm nay không có nhiều thay đổi so với các năm trước, kiến thức nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Trong đó, kiến thức Sinh lớp 11 có 4 câu (chiếm 10%), Sinh 12 có 36 câu (chiếm 90%). Dự đoán phổ điểm đề Sinh học này dao động từ 6 – 7,5 điểm.
Các giáo viên cũng phân tích, đề có 29 câu hỏi bài tập lý thuyết (chiếm 72,5%), 5 câu bài tập tính toán (chiếm 12,5%), 6 bài tập phân tích số liệu sơ đồ, biểu đồ (chiếm 15%).
Nhìn chung đề mang tính chất tham khảo, cho học sinh biết cấu trúc đề và mức độ bài tập, lý thuyết trong đề, từ đó có cơ sở ôn tập trọng tâm và tốt hơn. Đề thi thật mức độ khó của các câu vận dụng sẽ tăng lên, có thể xuất hiện các câu vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải có tư duy và phân tích tốt để tìm được đáp án đúng.
Đề thi tham khảo Môn Lịch Sử
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, nhận định đề minh họa môn lịch sử về cấu trúc không có gì thay đổi so với mọi năm.
Đề có 40 câu với nội dung nằm trải dài trong kiến thức của học kỳ 2 lớp 11 và toàn bộ nội dung chương trình lớp 12. Nội dung lớp 11 có 4 câu (chiếm 10%) đề thi.
Đề có 32 câu thuộc dạng kiểm tra kiến thức nhận biết, thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm khái quát những kiến thức quan trọng của chương trình là có thể làm đúng.
Đề có 8 câu vận dụng từ thấp đến cao. Trong đó, có 4 câu cuối đề thi học sinh phải có kiến thức tổng quát hoặc thậm chí chuyên sâu mới có thể chọn được đáp án đúng khi các câu hỏi buộc học sinh phải so sánh và nhận ra những điểm mới, điểm khác của các sự kiện thuộc các khung thời gian khác nhau.
Vì thế, theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, đề minh họa đáp ứng được hai tiêu chí là xét tốt nghiệp và xét đại học nhưng không hay.
Với đề này, thầy Du khuyên học sinh nên học tập theo hướng hệ thống hóa kiến thức theo chuyên đề để có thể nắm được khái quát toàn bộ chương trình. Sau khi hệ thống hóa kiến thức mới rèn các kỹ năng so sánh, vận dụng kiến thức.
Với đề thi tham khảo năm nay, học sinh dễ đạt được mức trên 8 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 37, để đạt điểm 9,5 trở lên. Ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định.
Đề thi tham khảo Môn Địa lý
Nhận xét về đề thi môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá, đề tham khảo bám sát chương trình học, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý lớp 12.
Các câu hỏi được sắp xếp hợp lý theo mức độ tăng dần về độ khó nên dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lý, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo.
Cụ thể, kiến thức Địa lý có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lý tự nhiên (4 câu), Địa lý dân cư (2 câu), Địa lý các ngành kinh tế (8 câu), Địa lý vùng kinh tế (7 câu).
Kĩ năng Địa lý có 19 câu trong đó: 15 câu Atlat, 2 câu bảng số liệu và 2 câu về biểu đồ.
Thầy Nam cho rằng, các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.
Nhìn chung, đề tham khảo môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT năm 2024 không quá khó với thí sinh có lực học từ khá trở lên. Học sinh chỉ cần học tốt các kĩ năng Địa lý và kiến thức lý thuyết cơ bản là có thể làm được 7 điểm.
Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt các câu 43, 51 và từ câu 71 trở đi, đây là các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi quá trình học tập, rèn luyện lâu dài và thường xuyên. Đề thi minh hoạ năm nay, các câu hỏi Atlat vẫn thay số trang bằng nội dung trang nên học sinh cần nắm được nội dung trang và mục lục để thực hành Atlat.
Đề thi tham khảo Môn GDCD
Đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2024 có 36 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 90%); 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 10%).
Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của lớp 12: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống (Hôn nhân gia đình, Lao động, Kinh doanh); Công dân với các quyền tự do cơ bản (Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng sức khoẻ..); Công dân với các quyền dân chủ (Quyền khiếu nại, tố cáo; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội..).
Một số câu hỏi nằm trong chương trình Kinh tế của lớp 11, rơi vào các nội dung: Chức năng của tiền tệ, tác động của quy luật giá trị, tác động của quy luật cung – cần.
Nhìn chung đề thi bám sát kiến thức trong sách giáo khoa, không có câu hỏi lạ, thí sinh dễ dàng đạt được điểm 9 - 10.
Xem thêm: |
Jennie