Thí sinh có thể tham khảo bí quyết để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 môn Ngữ văn sắp tới cho câu hỏi về nghị luận xã hội và nghị luận văn học dưới đây.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền, Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho hay học sinh cần phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa đoạn văn (không xuống dòng) với bài văn (đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài và Kết luận).
Học sinh cũng cần phân biệt được kiểu bài Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý với kiểu bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống để có cách triển khai đoạn văn cho phù hợp.
Với một bài Nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý gồm 5 bước: Giới thiệu vấn đề; Giải thích; Bàn luận; Phản đề; Bài học nhận thức và hành động. Còn bài Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống thì gồm 6 bước: Giới thiệu vấn đề; Giải thích; Thực trạng; Nguyên nhân; Hậu quả; Giải pháp; Bài học nhận thức và hành động.
Về hình thức, đoạn văn 200 chữ có dung lượng khoảng 2/3 trang giấy thi (không được viết ngắn hơm 1/2 trang và dài quá 1 trang đều bị trừ điểm). Các thí sinh cần viết đúng dung lượng mà đề bài yêu cầu, không nên viết quá ngắn hoặc quá dài. Cần thể hiện đúng quy cách của một đoạn văn, tức là không được xuống dòng. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. Đoạn văn phải có câu mở đoạn, các câu phát triển đoạn và câu kết đoạn.
Về nội dung: Viết ngắn gọn, rõ ý, bám sát vấn đề nghị luận, đảm bảo các bước. (Không lan man dài dòng vừa không đúng đặc trưng của văn chính luận vừa ảnh hưởng đến thời gian làm câu nghị luận văn học).
Thí sinh phải có dẫn chứng cụ thể, chính xác, tiêu biểu (mang tính thời sự) để thuyết phục người đọc, người chấm bài. Văn Nghị luận xã hội hấp dẫn người đọc bởi lý lẽ xác đáng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng hùng hồn giàu sức thuyết phục. Vì vậy, thí sinh cần có vốn hiểu biết xã hội sâu rộng, thường xuyên cập nhật những vấn đề thời sự nóng hổi để đưa vào bài viết.
Sĩ tử ghi nhớ, thời gian tối đa dành cho câu viết đoạn văn từ 18 - 20 phút.
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên THPT Bình Hưng Hòa, TP HCM, cho rằng thí sinh cần lưu ý gợi ý đáp án chấm của Bộ GD&ĐT các năm trước. Ví dụ với đề thi tham khảo năm 2022, câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích tâm trạng bà cụ Tứ qua đoạn trích trong tác phẩm Vợ nhặt : "Bà lão cúi đầu nín lặng... Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau", từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân.
Thứ nhất, bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
Thứ hai, học sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nội dung và nghệ thuật đoạn trích, giá trị nhân đạo được nhà văn thể hiện qua đoạn trích đó.
Thứ ba, triển khai vấn đề cần nghị luận: Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và đoạn văn. Học sinh có thể phân tích nhân vật bà cụ Tứ lần lượt qua các bước:
- Tóm tắt các chi tiết, sự việc ở đoạn trước cho đến lúc Tràng đem thị về giới thiệu với mẹ.
- Tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích: Đan xen nhiều cảm xúc phức tạp, không thể nói nên lời.
- Phân tích diễn biến tâm trạng: Lo lắng, tình thương với nàng dâu mới; động viên, an ủi các con.
- Nghệ thuật: Cách kể chuyện tự nhiên, chân thực, thu hút sự chú ý của người đọc; xây dựng tình huống truyện độc đáo; tài miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo; ngôn ngữ giản dị, giọng điệu đa dạng...
- Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích: Đồng cảm, cảm thông với những khổ đau của con người trong nạn đói; tố cáo thực dân Pháp, phát xít Nhật đẩy nhân dân ta vào hoàn cảnh khốn cùng; ca ngợi vẻ đẹp của tình người, tấm lòng nhân hậu qua các nhân vật...
- Đánh giá nâng cao vấn đề và cảm nghĩ về truyền thống nhân ái của người Việt.
Thứ tư, học sinh bảo đảm chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Nếu các em mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt thì sẽ bị trừ điểm tùy theo từng lỗi.
Thứ năm, đoạn văn viết sáng tạo sẽ được cộng 0,5 điểm, tức là suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. Yếu tố sáng tạo trong bài làm văn của học sinh THPT cũng có thể là những ý kiến, tư tưởng, cách đặt vấn đề, lý giải vấn đề mang tính chất phát hiện, riêng biệt, mới mẻ, có ý nghĩa nhất định về tư tưởng và thẩm mỹ.
Muốn bài văn đạt điểm tốt, trong quá trình làm bài cần tránh một số lỗi thường gặp:
- Với đề về thơ, tránh diễn nôm, diễn xuôi thơ. Tránh phân tích thơ nhưng không đi từ các tín hiệu nghệ thuật, không khái quát được giá trị, ý nghĩa của hình ảnh, giọng điệu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ… trong việc thể hiện hình tượng trữ tình và cái tôi trữ tình của tác giả.
- Với đề về văn xuôi: Như đề tham khảo sẽ tập trung vào việc làm nổi bật một hay một số nét riêng của nhân vật trong một đoạn. Yêu cầu này khác hoàn toàn đề cảm nhận về một đoạn văn hay cảm nhận về nhân vật trong toàn bộ tác phẩm. Vì thế, tránh giới thiệu về nhân vật như cuộc đời, hoàn cảnh… quá nhiều, quá dài; tránh chỉ phân tích mà không có cảm nhận; hoặc cảm nhận chung chung mà không có phân tích, đánh giá. Bên cạnh đó, cần tránh chỉ đi sâu phân tích chi tiết mà không có sự khái quát, nâng cao vấn đề. Nếu bài viết thiếu phần này sẽ rất nhạt, thiếu chiều sâu.
- Thời gian tối đa dành cho câu NLVH nên là từ 80 – 85 phút
Xem thêm: |
Jennie