Theo cô Huyền Thảo, giáo viên Sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, nắm chắc kiến thức trọng tâm sẽ giúp thí sinh dễ dàng đạt điểm trung bình môn này.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Khi ôn tập Lịch sử, học sinh cần chú ý hệ thống lại những cột mốc cơ bản để loại suy các câu trong bài thi. Ví dụ, các cột mốc chính như: 1930 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; 1945 - Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; 1954 - Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, Kháng chiến chống Pháp thắng lợi; 1975 - Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước; 1986 - Đổi mới và lấy kinh tế làm trọng tâm.
Đồng thời, học sinh cần hệ thống các giai đoạn lịch sử với những sự kiện tiêu biểu. Đặc biệt, phần lịch sử Việt Nam gắn liền với con số 3.
Theo đó, chúng ta có ba tổ chức Cộng sản, ba phong trào cách mạng (1930-1931), (1936-1939) và (1939-1945). Ví dụ về chủ đề này trong đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố như sau:
Câu 2: Trong giai đoạn 1939-1945, tổ chức nào sau đây thành lập ở Việt Nam?
A. An Nam Cộng sản đảng
B. Đông Dương Cộng sản liên đoàn
C. Việt Nam giải phóng quân
D. Đông Dương Cộng sản đảng
Đáp án là câu C; vì ba tổ chức cộng sản ra đời vào năm 1929.
Giai đoạn 1945 -1954 có ba chiến dịch gồm Việt Bắc - Thu đông (1947); Chiến dịch Biên giới - Thu đông (1950) và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Giai đoạn 1954-1975 có ba chiến lược chiến tranh Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam gồm: Chiến lược chiến tranh Đặc biệt (1961-1965), Cục bộ (1965-1968) và Việt Nam hoá chiến tranh - Đông Dương hoá chiến tranh (1969-1973).
Năm 1975, chúng ta có ba chiến dịch: Tây Nguyên; Huế - Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Chúng ta còn ba cuộc tổng tiến công gồm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968); tiến công chiến lược 1972 và tiến công nổi dậy Xuân 1975.
Một số câu hỏi ví dụ lấy từ đề tham khảo như sau:
Câu 3: Năm 1975, quân dân Việt Nam giành được thắng lợi quân sự nào sau đây?
A. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng
B. Chiến dịch Việt Bắc
C. Trận Đông Khê
D. Trận Điện Biên Phủ trên không
Đáp án là A.
Giai đoạn 1975-1985 là hoàn thành việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Câu 20: Trong khoảng thời gian những năm 1975-1979, nhân dân Việt Nam thực hiện một trong những nhiệm vụ sau đây?
A. Đánh đổ đế quốc phong kiến
B. Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế
C. Đấu tranh giải phóng dân tộc
D. Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
Nắm được các mốc sự kiện và các giai đoạn cơ bản sẽ giúp học sinh loại dần các phương án "mồi nhử" và nhanh chóng lựa chọn được đáp án D.
Câu 17: Trong giai đoạn 1965 - 1968, Mỹ có hành động nào sau đây ở miền Nam Việt Nam?
A. Mở cuộc tấn công lên Việt Bắc
B. Mở cuộc hành quân tìm diệt
C. Đề ra kế hoạch quân sự Nava
D. Đề ra kế hoạch Đờ lát đờ Tát xinhi
Đáp án là câu B.
Bên cạnh đó, đề Sử còn có những câu hỏi khó, so sánh điểm giống và khác nhau liên quan đến các vấn đề lịch sử, sự kiện lịch sử và tính chất của các sự kiện. Để làm được dạng này các bạn nên lập bảng biểu học tốt hơn.
Câu 35: Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975) và cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939-1945) của nhân dân Việt Nam có điểm nào giống nhau nào sau đây?
A. Lực lượng vũ trang giữ vai trò quyết định thắng lợi cách mạng
B. Kết hợp nhiệm vụ xây dựng và nhiệm vụ bảo vệ đất nước
C. Sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng
D. Chịu sự tác động trực tiếp của hai hệ thống xâ hội đối lập
Đáp án là câu C.
Một số câu yêu cầu so sánh ba đối tượng, chẳng hạn:
Câu 39. Phong trào cách mạng 1930-1931, phong trào dân chủ 1936-1939 và phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945 ở Việt Nam đều khẳng định thực tiễn:
A. Vai trò lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị vũ trang của chính đảng cách mạng.
B. Tầm quan trọng của công tác xây dựng lực lượng chính trị và căn cứ địa cách mạng.
C. Vai trò xung kích của lực lượng vũ trang trong hỗ trợ quần chúng đấu tranh chính trị.
D. Bước phát triển của cách mạng trên hai địa bàn chiến lược nông thôn và thành thị.
Đáp án là A; do các câu còn lại không cho thấy điểm chung của cả ba mà chỉ một trong số các yếu tố.
Học sinh đừng quên các câu hỏi lịch sử có liên quan đến địa lý. Năm ngoái, nhiều sĩ tử đã nhầm, đưa Ấn Độ sang tận châu Phi. Trong đề tham khảo năm nay có vài câu về địa lý như câu 18, 12.
Câu 12: Sau Chiến tranh thế giới hai, một trong những quốc gia ở khu vực Mỹ Latin có phong trào chống chế độ độc tài là:
A. Colômbia
B. Thái Lan
C. Philipin
D. Xingapo
Dễ dàng chọn đáp án là câu A; bởi các nước còn lại ở khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, học sinh nên nắm và hiểu được từ ngữ từ khóa để loại suy nhanh và đưa ra đáp án nhanh nhất.
Câu 15: Về kinh tế, các xô viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh (1930 -1931) đã thực hiện chính sách nào sau đây?
A. Xoá bỏ nạn xã hội mê tín, dị đoan
B. Chia ruộng đất công cho dân cày nghèo
C. Mở lớp dạy chữ Quốc ngữ
D. Thành lập các đội tự vệ đỏ
Đáp án là câu B; bởi câu này hỏi lĩnh vực kinh tế, các câu còn lại là về xã hội, văn hoá, an ninh.
Xem thêm: |
Nguồn theo Vnepxress