Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Một tuần trước, Giang, quê Nam Định, lên Hà Nội nhập học ngành Khoa học giáo dục. Không khí chào đón sinh viên của trường rộn ràng nhưng Giang không thấy thoải mái. Đây không phải ngành hay trường mà em mong trúng tuyển.
Khi đăng ký xét tuyển, Giang dành ba nguyện vọng đầu cho ngành Truyền thông, Xã hội học, Chính trị học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nữ sinh cho biết đã thích trường từ lâu, nhưng với 23 điểm thi tốt nghiệp tổ hợp C15 (Ngữ văn, Toán, Khoa học xã hội), em không thể đỗ.
Giang cũng trượt ba nguyện vọng tiếp theo vào trường Đại học Lao động - Xã hội. Những ngành này đều lấy điểm chuẩn trên 22,85 tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) nhưng Giang chỉ đạt 21,9 điểm.
"Cuối cùng, em đỗ ngành Khoa học giáo dục mà không hình dung được mình sẽ thế nào trong bốn năm tới và có thể làm gì khi tốt nghiệp", Giang thở dài, nói.
Bảo Nam, quê Bắc Giang, cũng không vui khi đỗ ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Đạt gần 25 điểm thi tốt nghiệp khối A00 (Toán, Lý, Hóa), Nam đặt ngành Sư phạm Toán của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nhưng không trúng.
"Cũng có một số trường mà điểm chuẩn ngành sư phạm tương đương điểm của mình nhưng lại xa nhà quá, cộng thêm động viên từ gia đình, cuối cùng mình đặt ngành điện, điện tử ở nguyện vọng 2", Nam giải thích, cho biết chưa thấy hối hận nhưng "vẫn hụt hẫng vì làm giáo viên là ước mơ từ nhỏ".
Trên các diễn đàn học sinh, sinh viên, nhiều bài đăng tương tự nhận hàng nghìn lượt tương tác. Có người dùng chia sẻ học đại học 3-4 năm nhưng vẫn thấy không phù hợp, phải nghỉ để chuyển ngành khác. Có người khuyên thí sinh cứ học để lấy tấm bằng cử nhân rồi tính tiếp.
Chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ sinh viên trúng tuyển hoặc học ngành không đúng nguyện vọng, nhưng theo một khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM năm 2019, khoảng 60% sinh viên chọn sai ngành học, 75% thiếu hiểu biết về ngành nghề đã chọn.
Việc phải học ngành không thích khiến nhiều sinh viên chật vật, rơi vào tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội".
Ngọc Lan, 26 tuổi, quê Hải Dương, từng nộp bừa nguyện vọng vào ngành Kế toán - Kiểm toán, trường Đại học Kinh tế quốc dân, sau hai năm trượt ngành Y khoa của trường Đại học Y Hà Nội. Vì chán nản, Lan học hành chểnh mảng, chỉ đạt điểm trung bình 2,8/4 và luôn xếp cuối lớp trong hai năm đầu.
"Chưa đến mức bị cảnh cáo học vụ nhưng lúc đó tôi thấy rất bế tắc và nghĩ tới việc bỏ học kinh tế, thi lại Y lần thứ ba", Lan nhớ lại.
Giang và Nam hiện cũng thấy mông lung về việc có nên theo đuổi tiếp ngành học mà mình đã trúng tuyển hay không. Giang nói theo dự kiến, học phí một năm của em ở trường khoảng 11 triệu đồng. Mức này gia đình em có thể đáp ứng, song nữ sinh lo lắng "nhỡ học bốn năm xong làm trái ngành thì có phí tiền không".
Còn Nam thì lo lắng về học phí. Nếu vào sư phạm, em được miễn khoản này và được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí. Từ việc gia đình gần như không phải hỗ trợ, Nam đối mặt với mức học phí 20 triệu đồng một năm.
"Bố mẹ vẫn nói không sao, nhưng em khá lo khi phải học ngành mình không thích mà học phí không rẻ", Nam nói.
Thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP HCM, nói từng nhiều lần nghe cựu học sinh chia sẻ, kêu ca về việc phải học ngành không mong muốn khi vào đại học. Song thầy cho rằng trước hết, sinh viên nên làm rõ khái niệm yêu thích, tránh "đứng núi này, trông núi nọ", chạy theo xu thế hoặc bị tác động bởi gia đình, xã hội mà không dựa vào năng lực bản thân.
Hội đồng Anh hồi tháng 8/2020 công bố nghiên cứu về người trẻ ở Việt Nam (độ tuổi 16-30). Chỉ 16% trong số 1.200 người được hỏi cho biết chọn ngành hiện tại vì cho rằng đó là ngành thích hợp nhất để đạt được công việc mình mong muốn. Hơn 64% người chọn ngành theo sự hứng thú, 31% căn cứ vào cơ hội việc làm, 20% thấy phù hợp về tài chính, 18% chọn ngành học vì gia đình, bạn bè thích hoặc giáo viên tư vấn.
"Có những em chọn bừa từ đầu, nên phải học ngành mình không thích; nhưng cũng có em vào đúng ngành mong muốn, mà học rồi mới thấy không hợp", ông Lê Xuân Thành, trưởng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất, chia sẻ. Theo ông Thành, thí sinh thích một ngành học không có nghĩa là họ có khả năng để học ngành đó.
Ngọc Lan thừa nhận điều này. Sau hai năm "đội sổ", cô tự hỏi "có biết học Y là thế nào không mà nói thích?" và ngược lại: "Biết Kế toán - Kiểm toán là gì chưa mà cứ ghét?". Khi thay đổi thái độ, Lan nhận thấy nhiều kiến thức được học về Kế toán, Kiểm toán rất hay và hữu ích.
"Kinh tế không phải lựa chọn ban đầu, nhưng nó giúp thay đổi cuộc đời tôi. Giờ nếu hỏi có học Y nữa không, tôi sẽ từ chối vì khi đã hiểu thấu đáo về nó, tôi thấy mình không phù hợp", cô gái bước vào năm thứ ba làm nghiên cứu sinh ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Anh, nói.
Vì thế, Lan cho rằng sinh viên nên dành thêm thời gian cho ngành học hiện tại để hiểu rõ hơn và đánh giá mức độ phù hợp. Theo cô, không phải tất cả những gì chúng ta hình dung về ngành và bản thân ban đầu đều đúng, cần có thời gian để hiểu và điều chỉnh.
Các nhà giáo nói không khuyến khích tân sinh viên bỏ học, thi lại ngay lập tức vì tốn kém tiền bạc, thời gian. Thay vào đó, sinh viên có thể tìm một số giải pháp tích cực hơn như xin chuyển ngành, học song bằng, chủ động tham gia các câu lạc bộ, hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực mình muốn tìm hiểu.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết mỗi năm, trường có khoảng 400 sinh viên đăng ký học cùng lúc hai chương trình. Theo ông Triệu, quy định ở mỗi trường khác nhau, nhưng cơ bản nếu sinh viên đã đáp ứng được yêu cầu đầu vào của các ngành, các em sẽ được tạo điều kiện để tiếp cận môn và ngành yêu thích.
Nếu đã nhận thức rõ ngành học không phù hợp cả về sở thích, năng lực, khó kiếm việc và không thể chuyển ngành, sinh viên mới nên nghĩ đến phương án nghỉ học và thi lại.
Ngoài ra, ông Triệu nhấn mạnh hiệu quả hoạt động hướng nghiệp từ bậc phổ thông. Ông cho rằng để học sinh nhận thức thấu đáo về ngành học cần sự tham gia đồng bộ của cả xã hội. Trường phổ thông có lợi thế gần gũi với học sinh, thuận tiện giải đáp, chia sẻ và tư vấn. Trường đại học cung cấp thông tin chuyên sâu về ngành học, chương trình đào tạo.
Trước "sự đã rồi", Bảo Nam nói sẽ "mở lòng" với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Theo Nam, dù không làm giáo viên phổ thông, em còn cơ hội trở thành giảng viên đại học.
"Em nghe nói nếu học tốt, sinh viên có thể được giữ lại trường. Đây có lẽ là mục tiêu mới của em để thỏa mãn mong muốn được giảng dạy", Nam nói, cho biết sau khi ổn định sẽ đi làm gia sư Toán, vừa để có thêm chi phí học hành, vừa thỏa mãn đam mê.
Còn Hồng Giang đã đi học buổi đầu tiên. Em cho biết trường cho sinh viên học đại cương trong năm đầu, sau đó mới chia chuyên ngành. Giang cho hay sẽ tìm hiểu thật kỹ, nghe tư vấn từ các anh chị rồi mới đưa ra lựa chọn.
"Em không muốn lại chọn bừa thêm lần nữa", Giang nói.
Xem thêm: |
Theo Vnexpress