Thông tin trên được đưa ra sau khảo sát đánh giá nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, gây bất ngờ về mức lương khởi điểm.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Tại Hội nghị thường niên năm 2023 diễn ra mới đây, Đại học Quốc gia TPHCM công bố khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại 4 tỉnh, thành Đông Nam Bộ gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian khảo sát từ tháng 8/2023 đến tháng 11/2023.
Nghiên cứu này ghi nhận phản hồi từ gần 1.900 đơn vị sử dụng lao động gồm các doanh nghiệp và 87 cơ quan Nhà nước. Các đơn vị này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo và thương mại - tiêu dùng (chiếm 57,95% tổng số đơn vị). 77,52% đơn vị sử dụng lao động tham gia khảo sát có quy mô tầm trung, vừa và nhỏ (≤300 nhân sự); phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 82,47% tổng số đơn vị được khảo sát).
Trong đó, thông tin đáng chú ý mức lương khởi điểm của các đơn vị sử dụng lao động đề xuất cho ứng viên trình độ đại học từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng chiếm đa số, tiếp theo là mức lương từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.
Mức lương từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng đa số được đơn vị sử dụng lao động đề xuất cho ứng viên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Trong số đơn vị sử dụng lao động tham gia khảo sát có doanh nghiệp chấp nhận trả lương khởi điểm 20-30 triệu đồng cho người có trình độ đại học nhưng rất ít. Các doanh nghiệp tư nhân chấp nhận chi trả mức lương trên chỉ chiếm 0,22%.
Kết quả tuyển dụng nhân sự trong 3 năm (2020-2023) cho thấy doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng nhân sự nhiều nhất ở lĩnh vực kỹ thuật với trên 15.100 nhân sự/3 năm, tiếp đến là lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kinh doanh và quản lý có trung bình số lượng nhân sự được tuyển dụng trong giai đoạn này là 10.000-11.000 nhân sự cho mỗi lĩnh vực.
Theo đánh giá của khảo sát, xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp trong 3 năm tới (2023-2025) giảm 12,6% so với giai đoạn 2020-2023.
Cụ thể, lĩnh vực có trung bình số lượng nhân sự dự kiến tuyển dụng giảm nhiều là kiến trúc và xây dựng ( giảm 31,18%) và dịch vụ xã hội ( giảm 30,58%). Ngoài ra, các lĩnh vực có trung bình nhân sự dự kiến tuyển giảm đáng kể (trên 20%) là lĩnh vực nghệ thuật, toán và thống kê, công nghệ kỹ thuật, nông - lâm nghiệp và thủy sản, du lịch khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân...
Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, pháp luật và thú y có xu hướng tăng nhẹ từ 0,35% đến 7,71%.
Đặc biệt, đáng chú ý, khảo sát này cho thấy, mức lương khởi điểm trong tuyển dụng ở giai đoạn 2023-2025 từ doanh nghiệp không tăng. Vẫn ở mức 5-10 triệu đồng với trình độ đại học sẽ chiếm đa số. Mức lương từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng đa số được đề xuất cho ứng viên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo kết quả khảo sát, thái độ của ứng viên được đánh giá cao nhất (3,45/5 điểm, thuộc mức đánh giá "tốt" theo thang đo Likert 5 mức độ). Kiến thức và kỹ năng của ứng viên chỉ được đánh giá ở mức độ "khá". Phân tích sâu còn cho thấy thái độ là yếu tố được đơn vị sử dụng lao động chú trọng nhất, kế đến là kiến thức và kỹ năng.
Trong hệ thống các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Bách khoa có tỷ lệ được ưu tiên tuyển dụng cao nhất là 24,41%; tiếp đến là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Kinh tế Luật, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn...
Xem thêm: |
Jennie