Sinh viên là quãng thời gian tươi đẹp, với nhiều trải nghiệm thú vị. Các bạn trẻ sau quãng thời gian học cấp 3, mới bước chân lên giảng đường ĐH hẳn còn nhiều bỡ ngỡ và lúng túng. Những lời khuyên hữu ích từ sinh viên đi trước sẽ giúp sinh viên năm nhất chuẩn bị hành trang thật kỹ càng để có quãng đời sinh viên ý nghĩa.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Nhiều bạn tin vào câu nói "Lên ĐH nhàn làm" thích học thì học, thích chơi thì chơi và kết quả là sau 4-5 năm ĐH không tích lũy được kiến thức nào. Thậm chí, do chểnh mảng nên nhiều người còn kéo dài thời gian học, mãi không ra được trường. Là người đi trước, các anh chị sinh viên đều khuyên bạn nên nghiêm túc với việc học bởi 4 năm ĐH trôi qua rất nhanh.
Sinh viên năm nhất mới lên ĐH, không còn chịu sự quản lý của bố mẹ nên rất dễ buông mình theo các cuộc chơi hấp dẫn bên ngoài. Giải trí là tốt nhưng cần biết cân bằng với việc học. Thay vì lao vào các cuộc chơi vô bổ, sinh viên cần chủ động học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học… Tất cả đều rất cần thiết cho công việc sau này.
Hiện tại, hầu hết các trường đại học đều quy định mức chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên như IELTS 5.5 hoặc Toeic 450. Nếu không đạt chuẩn tiếng Anh thì rất có khả năng bị cảnh cáo học tập, bị giới hạn số lượng tín chỉ đăng ký, không được nhận đồ án - khóa luận tốt nghiệp và đương nhiên sinh viên sẽ ra trường muộn, đánh mất nhiều cơ hội.
Ngoài ra, năm nhất phải học nhiều các môn đại cương, có thể khiến bạn cảm thấy chán ngắt và buồn ngủ, muốn trốn học đi chơi hoặc ở nhà ngủ. Nhưng đừng hở tí là cúp học, trốn tiết vì bạn có thể bỏ lỡ nhiều thông báo, bài giảng quan trọng đấy.
Nhiều bạn trẻ có tính cách hướng nội, ngại tiếp xúc người lạ hoặc sống khép mình, không giao lưu người khác. Kết quả là sau 4-5 năm ĐH không có nổi một người bạn mới. Bạn có biết rằng những người bạn quen có thể trở thành người giúp bạn sau này trong công việc, trong cuộc sống? Hãy tập cởi mở bản thân, làm quen nhiều bạn mới, đừng chỉ bó buộc mình trong phòng trọ hoặc kí túc xá.
Trong mỗi một mối quan hệ khác nhau, chúng ta lại có thêm những trải nghiệm, có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau và đặc biệt còn nhận được sự giúp đỡ quý giá mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc. Quan trọng là bạn nên biết chọn bạn mà chơi. Những người mang năng lượng tích cực, lan tỏa những điều tốt đẹp, cầu thị trong học tập sẽ giúp bạn được truyền cảm hứng đấy.
Nhiều sinh viên đi trước khuyên rằng nếu không muốn cuối tháng phải ăn mì tôm qua bữa thì cần quản lý tốt chi tiêu. Lên ĐH, sinh viên sẽ được bố mẹ chu cấp tiền hàng tháng. Do mới làm quen với việc quản lý tài chính nên nhiều bạn không biết cách tiêu xài dẫn đến quá tay và cuối tháng lâm vào cảnh "cháy túi". Khi đã hết tiền, bạn lại đi vay mượn người khác, tháng sau lại trả, nó sẽ trở thành vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt và bạn có thể thành "con nợ" ở năm nhất.
Vì thế hãy biết chi tiêu hợp lý, mua những thứ cần thiết, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và kinh tế bản thân trước khi quyết định mua một thứ gì đó. Trước nhất phải dành một khoản để đóng tiền nhà, tiền ăn và một khoản dự phòng trường hợp bất ngờ xảy ra như tiền giáo trình, tiền photo, hỏng xe...
Tốt nhất đến hạn nộp bài tập đừng lười mà nhận về điểm thấp, bạn có thể phải học lại như chơi đấy. Chịu khó làm bài và nộp đúng hạn, điều này sẽ không làm bạn phải thiệt thòi đâu.
Nhiều sinh viên cho rằng GPA không hề quan trọng. Nhưng sinh viên đi trước đều nhận ra, nếu mình chưa có kinh nghiệm, GPA cao là lợi thế lớn nhất để mình vượt qua vòng CV, cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình nghiêm túc trong học tập và đã có kiến thức ổn. Sau này, nếu đã có kinh nghiệm thực tế, một bảng điểm đẹp cũng khiến cơ hội tăng lên.
Nếu các bạn cảm thấy lạc lõng khi bước vào môi trường mới, hãy tìm đến các CLB, những dự án cộng đồng. Điều này giúp chúng ta có những trải nghiệm đầy ý nghĩa và kết nối với những con người tuyệt vời, có trái tim rộng mở. Để làm mới bản thân, để quãng đời sinh viên thêm thú vị, bạn có thể tham gia vào các tổ chức đoàn hội, câu lạc bộ, đội tuyển, văn nghệ... Ở đây, bạn sẽ có thêm nhiều bạn mới, có thêm kỹ năng mới và gắn bó với ngôi trường của mình hơn.
Làm thêm không chỉ để kiếm thêm thu nhập, chi trả các sinh hoạt phí hay tiết kiệm tiền cho những việc cần thiết, làm thêm còn giúp sinh viên có thêm hiểu biết về cuộc sống, có thêm kinh nghiệm đáng quý. Tuy nhiên, thay vì lao vào làm thêm, đặt đồng tiền lên hàng đầu, sinh viên có thể tìm kiếm các việc làm thêm đúng chuyên ngành. Công việc này tuy lương không cao nhưng là cơ hội tốt để tôi học tập và tích lũy những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp mà bản thân đang theo đuổi, giúp ích cho công việc sau này.
Cảm giác kiếm được đồng tiền dù ít dù nhiều từ chính đôi bàn tay của mình cũng giúp các bạn biết quý trọng đồng tiền và chi tiêu hợp lý hơn. Tuy nhiên, đừng lao đầu vào làm thêm mà bùng học nhé.
Cám dỗ chốn thị thành, những người bạn mới từ mọi nơi... khiến những bạn trẻ xa quê dễ xa ngã, lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, những thú vui tốn kém... Hãy biết giữ mình, giữ vững tâm lý để hoàn thành 4 năm Đại học và tìm được công việc ổn định khi tốt nghiệp.
Xem thêm: |
Jennie