Chuyên gia cho rằng dư luận xã hội đang khiến phụ huynh hiểu lầm đạt điểm IELTS cao là một tài năng. Vì thế, nhiều phụ huynh chạy đua theo tâm lý đám đông, gây ra những sức ép không cần thiết lên con cái.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Tại tọa đàm “Ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, chia sẻ dưới vai trò là phụ huynh, nhà văn Hoàng Anh Tú nhìn nhận nhiều cha mẹ ngày nay “rất khó chiều”. Chẳng hạn khi cho con tới các trung tâm ngoại ngữ, họ kỳ vọng con vừa phải giao tiếp tốt tiếng Anh, đồng thời còn phải giỏi ngữ pháp và có điểm số cao trên lớp.
Trước những kỳ vọng của phụ huynh, nhiều trung tâm sau đó phải mở thêm các lớp ngữ pháp để “cứu” điểm trên lớp của học sinh. Tuy nhiên theo ông, nếu cứ “chạy” theo những mục tiêu ấy, rất khó để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Canh, nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, phụ huynh hiện nay có rất nhiều kỳ vọng về con cái, trong đó có năng lực tiếng Anh.
Điều này một phần xuất phát từ thực tế, những năm gần đây, chính sách sử dụng điểm IELTS để xét tuyển vào đại học và một số trường THPT, THCS đã khiến số người học IELTS tại Việt Nam tăng mạnh. Việc các trường dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển bằng IELTS (dù có những trường thậm chí không dùng tiếng Anh để giảng dạy) khiến phụ huynh đổ xô, “đốt tiền” cho con luyện thi IELTS.
Ngoài ra, dư luận xã hội cũng đang tạo cho phụ huynh hiểu lầm rằng việc đạt kết quả IELTS cao là một tài năng. “Điều này hoàn toàn sai lầm”, ông nói. Theo ông, bài thi IELTS cao không đồng nghĩa với việc sử dụng ngôn ngữ thuần thục.
Chẳng hạn khi viết một bài luận IELTS, người học có thể đạt điểm số rất cao, thể hiện phần nào quan điểm cá nhân của người viết, nhưng nó cũng chỉ đo được một lát cắt. Thực tế, cũng có trường hợp, học sinh đạt IELTS cao nhưng gặp khó khăn khi giao tiếp tự nhiên hay không thể viết có cảm xúc và thuyết phục.
PGS Lê Văn Canh cũng nhìn nhận một người nếu chỉ giỏi tiếng Anh thôi chưa đủ. “Giống như trên một chuyến máy bay, có người đi ra nước ngoài mang theo những hợp đồng, đến khi quay về mang lại thương vụ tiền tỉ. Có người ra đi mang theo các ý tưởng, khi quay về là những cải tiến mới có giá trị. Nhưng cũng có những người ra đi mang theo một vali mì tôm, đến khi quay về tay trắng.
Tiếng Anh ngày nay cũng thế, vốn chỉ là một phương tiện đưa chúng ta ra bên ngoài. Nếu chỉ có tiếng Anh thôi, chúng ta cũng sẽ không làm được gì khi ra thế giới”, PGS.TS Lê Văn Canh nói.
PGS Canh cho rằng “lâu nay phụ huynh quá quan tâm đến vai trò của tiếng Anh. Chuyện đó không có gì sai, nhưng cần hiểu rõ vai trò của tiếng Anh đến đâu”, ông nói. Theo ông, trong thời đại công nghệ hiện nay, khi các công cụ về ngôn ngữ như AI phát triển mạnh mẽ và có thể hỗ trợ người dùng một cách hiệu quả, kể cả khi đi du lịch tại một đất nước xa lạ, một người không cần tới phiên dịch viên vẫn có thể giao tiếp nhờ các phần mềm hỗ trợ.
Do đó, phụ huynh cũng cần nhận thức lại việc có thực sự cần “chạy đua” để học tiếng Anh, “cày cuốc” luyện IELTS cao hay không và những thành tích đó có thể đảm bảo chắc chắn trẻ sẽ thành công trong tương lai.
“Dù chưa có thống kê cụ thể về điều này, nhưng có những hệ lụy nhìn thấy ngay khi phụ huynh chạy đua theo tâm lý đám đông, là không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn chiếm quá nhiều thời gian, gây ra những sức ép không cần thiết lên con trẻ”, ông nói.
Do đó, ông cho rằng ngoài khả năng tiếng Anh, một người còn cần có nhiều kỹ năng, năng lực quan trọng khác để có thể tự tin và làm chủ cuộc sống. Việc rèn các kỹ năng quan trọng hơn rất nhiều các con số, thành tích.
Xem thêm: |
Theo Vietnamnet