Nhờ có kế hoạch và mục tiêu học tập rõ ràng, Đặng Thị Ngoan đã xuất sắc đạt kết quả tốt với tấm bằng và bảng điểm đẹp.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Với GPA đạt 3.78, Đặng Thị Ngoan tốt nghiệp loại xuất sắc ngành kép Ngôn ngữ Anh và Kinh tế Quốc tế của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 2019. Cô gái quê Bắc Ninh này còn có thành tích đáng nể là trong suốt 8 kì ĐH đều giành học bổng hầu hết loại A (một kỳ loại B). Hiện tại, Ngoan đang phụ trách nhóm nội dung cho một công ty về công nghệ và vẫn nhận thêm các dự án dịch part-time để không quên những kiến thức đã học.
Cựu sinh viên ĐH Ngoại ngữ cho hay cô luôn cố gắng để ba mẹ tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Bởi trước đó, bậc phụ huynh muốn con gái học ngành sư phạm hoặc an ninh cho ổn định và dễ xin việc sau này.
Đặng Thị Ngoan có chia sẻ về 6 cách để giành học bổng loại A cũng như tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc trên tay.
Tìm hiểu trước về tiêu chí đạt học bổng
Ngay khi trở thành sinh viên, Ngoan đã tìm hiểu về tiêu chí giành học bổng của trường. Tại ĐH Ngoại ngữ HN, học bổng được xét dựa trên hai tiêu chí: điểm trung bình học kỳ và điểm rèn luyện. Mỗi ngành học của trường đều sẽ có một số lượng học bổng nhất định và sẽ được xét từ trên xuống dưới theo hai tiêu chí trên. Ba loại học bổng là A, B, C tương ứng với mức tiền sẽ nhận được. Thông thường, mức học bổng thay đổi theo từng năm và sẽ cao hơn học phí của kỳ đó khoảng 10%. Với học bổng loại A của Ngoan, nữ sinh nhận được 4,5-5,5 triệu/kỳ.
Nên đặt mục tiêu cụ thể
Việc đặt mục tiêu cụ thể trước khi bắt tay vào thực hiện là điều mà tất cả các sinh viên nên làm. Trước mỗi kỳ, bạn nên xem trước các học phần cần tích lũy của kỳ đó để nắm được phải học những môn nào. Rồi bám sát kế hoạch này hoặc đăng ký học thêm các học phần của kỳ sau để đạt hai mục tiêu: ra trường sớm/đúng hạn và để vào năm thứ ba, thứ tư có nhiều thời gian làm thêm/thực tập.
So với các ngành khác, ngành học của Ngoan khá nặng. Với tổng cộng 169 tín chỉ/8 học kỳ, mỗi kỳ cô gái chia ra học 20-28 tín chỉ. Với từng môn, sau khi đã học được một vài tuần đầu, Ngoan ước lượng khả năng của bản thân ở môn đó và đặt mục tiêu về điểm tổng kết. Ví dụ, tiếng Anh 1A: B+, Toán cao cấp: A+, Triết 1: B+...
Ngoan cố gắng và quyết tâm các môn đều đạt từ điểm B trở lên và không học lại bất cứ môn nào. Cô gợi ý các bạn sinh viên có thể lập một bảng, ghi mục tiêu và kết quả đạt được cho mỗi học kỳ để thấy mình đã làm được những gì và cần cố gắng thêm gì.
Không coi thường bất cứ môn nào
Nhiều sinh viên có thái độ chểnh mảng, lơ là những môn như Tư tưởng, Đường lối, Thể dục hay Triết... Tuy nhiên, không chỉ các môn chuyên ngành, với tất cả các môn, Đặng Thị Ngoan đều đi học đầy đủ, nghiêm túc. Bởi mỗi tín chỉ đều ảnh hưởng đến điểm trung bình học kỳ và ảnh hưởng đến mục tiêu đạt học bổng.
Về cách ghi chép bài để hiệu quả, Ngoan thường kết hợp slide/bài giảng của giảng viên và tự tìm kiếm thêm trên mạng. Sinh viên cũng cần làm bài tập đầy đủ và luôn hoàn thành trước deadline để có thời gian xem lại.
Tham gia ngoại khóa
Để đạt được học bổng cần có điểm rèn luyện vì thế Ngoan tham gia một số hoạt động nhất định, vừa đủ để được cộng điểm. Bản thân cô ưu tiên các công việc làm thêm và thực tập để có kinh nghiệm và thu nhập ngay từ khi còn đi học như làm gia sư tiếng Anh, dịch tài liệu sách báo, dịch phim, viết content...
Ứng cử làm cán sự lớp
Khi làm cán sự, Ngoan sẽ có trách nhiệm hơn với môn học đó. Ngoan từng làm lớp trưởng một số lớp môn chung, công việc phải làm là giúp thầy cô điểm danh trước giờ học, phân chia nhóm, thu bài tập của cả lớp... Với Ngoan, đây là một việc hữu ích nên không ngần ngại ứng cử.
Cân bằng học tập và làm việc
Ngay từ năm thứ hai ĐH, Ngoan đã bắt đầu làm thêm. Nhiều sinh viên thường sa lầy vào việc kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ chính vẫn là học tập. Điều này có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Chính vì lẽ đó, Ngoan luôn vạch ra thời gian biểu nghiêm ngặt dành cho việc học, cân bằng giữa việc học và làm việc. Em học vào các buổi không có tiết trên trường và tối từ 20h đến 23h.
Việc học chăm chỉ, nỗ lực giúp cô gái quê Bắc Ninh có tấm bằng cũng như bảng điểm đẹp. Và chính những kinh nghiệm từ việc làm thêm, đi thực tập giúp Ngoan hòa nhập nhanh hơn với môi trường công sở, tạo dựng được các mối quan hệ cũng như có thêm nhiều kỹ năng mềm.
Xem thêm: |
Jennie