Bút viết và bút chì là hai vật dụng quan trọng, nhất định phải có của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp tới. Tuyển sinh số xin giới thiệu một số loại bút tới sĩ tử để tham khảo sử dụng cho mình dưới đây.
Cần trang bị 2 loại bút khi đi thi:
- Bút bi hoặc bút mực để điền tên, số báo danh, mã đề và làm bài thi môn tự luận (môn Văn)
- Bút chì để tô trắc nghiệm các môn còn lại
Nếu không chọn đúng loại bút, có thể khiến bạn gặp một số rắc rối trong phòng thi như viết chậm, tốn thời gian, chữ xấu, tô đáp án mờ hoặc bút khó tẩy làm việc tẩy đáp án khó...
Gợi ý một số loại bút viết và bút chì thích hợp cho sĩ tử
Với bút viết
- Theo kinh nghiệm của những thí sinh đi trước, tốt nhất bạn nên mang theo nhiều hơn 1 cây bút viết để phòng trường hợp tắc mực, hết mực, mực không đều... Những chiếc bút viết phải có cùng màu mực, thí sinh chỉ được sử dụng duy nhất một màu mực trong toàn bộ bài làm và tuyệt đối không sử dụng bút mực đỏ.
- Một mẹo nữa là nên sử dụng mực xanh hơn mực đen bởi màu xanh đem lại cảm giác tươi tắn, sáng sủa hơn cho bài làm, tạo ấn tượng sạch sẽ hơn với người chấm thi.
- Thí sinh cũng nên sử dụng bút bi bởi tốc độ khô chữ nhanh, không làm lem chữ và viết cũng nhanh hơn so với các loại bút khác. Hoặc bút gel bởi cho nét chữ khá đẹp và viết cũng trơn.
- Một số loại bút viết bạn có thể tham khảo như Bút Semi gel 2600, bút m&g viết trơn, không tắc mực, bút bi Thiên Long...
Với bút chì
- Nên dùng bút chì từ 2B trở lên để tô, không nên dùng bút chì kim bởi ngòi chì nhỏ, tô lâu và in hằn vết tô lên phiếu trả lời nên khó tẩy xóa.
- Có các loại bút chì B như sau: 2B, 3B, 4B, 5B, 6B. Trong đó, tốt nhất, thích hợp nhất cho tô trắc nghiệm vẫn là 2B và 3B. 2 loại bút chì này có ruột chì mềm, giúp thí sinh tô tròn nhanh ô đáp án và nét vừa phải, không quá nhạt cũng không quá đậm, tẩy dễ dàng nếu chọn nhầm câu trả lời. Còn loại 5B, 6B mềm và tô tròn đáp án nhanh nhất nhưng lại quá đậm, khó tẩy xóa hơn hẳn 2B và 3B.
Lời khuyên: Khi đã chọn được đáp án nên tô ngay vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Nhiều bạn có thói quen chọn đáp án ra giấy nháp rồi khi làm xong mới tô vào phiếu. Vì số lượng câu hỏi khá nhiều nên cách này khiến bạn dễ nhầm lẫn khi đối chiếu với bản nháp. Đặc biệt khi làm xong cũng gần hết giờ, tâm lý sẽ vội vàng và có thể tô nhầm đáp án câu này sang câu khác.
Jennie