Thực hiện chỉ đạo về việc sửa đổi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024, nhiều trường đại học cam kết không tăng học phí.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Theo đó, mức học phí đại học năm học 2023 - 2024 với các trường công lập chưa tự chủ sẽ không tăng, dao động 12 - 24,5 triệu đồng/năm, tùy từng ngành.
Nhiều trường chia sẻ, không tăng học phí sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như thu nhập cho cán bộ, giảng viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập… tuy nhiên nhà trường sẽ kêu gọi cán bộ, giảng viên, người lao động đồng lòng chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn này.
Đến thời điểm này đã có một số trường đại học cam kết không tăng học phí như:
Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh vừa thông báo đến sinh viên sẽ không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Đây là năm thứ 4 liên tiếp trường này không tăng học phí. Học phí chương trình đào tạo chuẩn của trường là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ.
Trường Đại học Thương mại cũng đã có cam kết thực hiện đúng chủ trương, quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và trách nhiệm xã hội với cộng đồng, người học. Mức thu học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo của nhà trường sẽ được công bố điều chỉnh ngay sau khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm học trước, mức thu học phí đại học chính quy áp dụng cho khóa 58 của Trường Đại học Thương mại dao động từ 535.000 - 959.000 đồng/tín chỉ. Năm nay sẽ là năm thứ tư nhà trường không được tăng học phí, kể từ năm 2020.
Trường Đại học Ngoại thương xác nhận sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Chính phủ về việc dừng tăng học phí trong năm học 2023-2024, dù còn đứng trước nhiều khó khăn.
Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ thu học phí theo đúng quy định của Chính phủ. Trước đó, theo đề án tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã xác định mức thu học phí đối với sinh viên đại học chính quy năm học 2023-2024 dự kiến là 15.000.000 đồng/10 tháng/sinh viên; còn học phí năm học 2022-2023 trung bình là 12.000.000 đồng/năm.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học. Theo công bố gần đây nhất của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, mức học phí dao động từ 1.200.000 - 1.450.000 đồng/tháng thay vì mức 1.410.000 - 1.640.000 đồng/tháng như trong đề án trước đó.
Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa công bố điều chỉnh mức thu học phí năm học 2023 - 2024 bằng mức học phí năm học 2022 - 2023. Cụ thể, với chương trình đại học chính quy chương trình 3,5 năm có mức học phí thấp nhất 373.000 đồng/tín chỉ và cao nhất 428.000 đồng/tín chỉ. Chương trình đại học chính quy chương trình 4 năm mức học phí dao động 386.000 - 776.000 đồng/tín chỉ. Chương trình đại học vừa học, vừa làm có mức học phí thấp nhất 459.000 và cao nhất 513.000 đồng/tín chỉ.
Đại học Mở Hà Nội đã họp bàn về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 theo hướng không tăng như Chính phủ yêu cầu, trường sẽ thông báo cụ thể sau.
Hiện còn một số trường đại học rất trăn trở sau 3 năm không tăng học phí đã và đang gặp khó trong bài toán cân đối chi ngân sách. Không chỉ vậy, các trường còn nêu, từ sau 1/7, Chính phủ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó là 1.490.000 đồng/tháng. Để đáp ứng chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, các trường đều phải dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng.
Chia sẻ nỗi lo với các trường đại học sau 3 năm liên tiếp không tăng học phí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, học phí là nguồn thu chính của các trường, chiếm tỷ trọng 50 - 90% nguồn thu, năm học 2023 - 2024 không tăng học phí là thách thức lớn cho các trường. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng.
Để hỗ trợ các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc không tăng học phí năm học 2023 - 2024 không tác động, ảnh hưởng nhiều đến giáo dục phổ thông, bởi đây không phải nguồn thu chính của cấp học này. Giáo dục phổ thông mang tính phúc lợi, do ngân sách Nhà nước đảm bảo, do vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn địa phương quan tâm hơn để giáo viên yên tâm làm nghề, khắc phục, giảm thiểu hiện tượng giáo viên nghỉ việc.
Xem thêm: |