Số sinh viên đại học ở các lĩnh vực STEM đạt 55 người/vạn dân, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tăng quy mô đào tạo.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Thông tin trên được đưa ra tại Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 30/11 ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết theo số liệu tuyển sinh ba năm qua, số sinh viên khối ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) tăng hơn 10% mỗi năm, cao hơn mức trung bình cả nước là 6,4%.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên theo học các ngành này vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, số sinh viên lĩnh vực STEM đạt khoảng 55 người/vạn dân, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc và Phần Lan. So với Singapore, Israel, Đức, tỷ lệ này cũng thấp hơn đáng kể.
Nếu tính trên tổng số sinh viên, tỷ lệ theo lĩnh vực STEM gần đây khoảng 27-29% (khoảng 560.000 - 600.000 người). Trong khi tỷ lệ này ở Singapore và Malaysia là 46% và 50%, Hàn Quốc, Phần Lan, Đức dao động 35-39%. Nếu tính riêng các ngành Khoa học tự nhiên và Toán, tỷ lệ chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3-1/5 của Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore và Đức.
Ở hầu hết quốc gia kể trên, sinh viên tập trung ở ngành Kỹ thuật, Sản xuất và Xây dựng, sau đó là Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên, Toán và Thống kê.
"Để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ bền vững sự phát triển của xã hội, thời gian tới chúng ta cần đặc biệt quan tâm chú ý tới việc phát triển đào tạo lĩnh vực STEM", ông Dũng nhấn mạnh.
Biểu đồ so sánh tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam và các nước. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tăng quy mô đào tạo khối STEM đạt trên một triệu người học vào năm 2030. Trong đó, các ngành liên quan tới Công nghệ thông tin và Truyền thông, Công nghệ số chiếm khoảng 60%.
Những lĩnh vực và ngành đào tạo then chốt được định hướng ưu tiên phát triển là: Công nghệ sinh học, y sinh, vật liệu, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, Kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa.
Năm học 2021-2022, Việt Nam có hơn 2,1 triệu sinh viên. Bộ dự kiến quy mô đào tạo đến năm 2030 đạt 3 triệu người, gồm hơn 2,7 triệu sinh viên đại học và 20.000 sinh viên cao đẳng sư phạm.
Quy hoạch mạng lưới đại học đến 2030, tầm nhìn tới 2050 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học này. Mục tiêu là củng cố, phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại và mạch lạc, tạo một hệ thống mở, công bằng, chất lượng với quy mô và cơ cấu hợp lý. Về lâu dài, quy hoạch này sẽ giúp Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực.
Xem thêm: |
Theo Vnexpress