Theo phương án đổi mới của Bộ GD-ĐT, học sinh học xong chương trình lớp 12 đáp ứng các quy định của Bộ sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Thông tin về lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đang rất được dư luận quan tâm, trong đó có một vài điểm đáng chú ý.
Cụ thể, phương án đổi mới thi sau năm 2020 của Bộ GD-ĐT vừa được báo cáo Chính phủ sẽ cho phép học sinh học xong chương trình lớp 12 đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT, hoặc giám đốc trung tâm GD thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT thay vì bắt buộc phải dự thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp như hiện nay. Như vậy, chỉ học sinh nào có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ đăng kí tham gia thi THPT quốc gia.
Về nội dung các môn thi vẫn giữ ổn định như năm 2019 với nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Điểm mới về phương thức tổ chức thi là ngoài hình thức tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Như vậy, ở giai đoạn 2021 - 2025, kỳ thi không xáo trộn lớn so với năm 2019 nhưng sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tế. Kỳ thi vẫn tổ chức thi trên giấy như hiện nay nhưng đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình; chủ yếu là đánh giá kiến thức, kĩ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực, giảm số câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp.
Bên cạnh đó sẽ từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm cho ra một đầu điểm, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.
Xem thêm: |
Nguồn theo VTV