Hôm qua 6/8, các trường đại học bắt đầu tham gia quy trình lọc ảo và xét tuyển đại học. Dựa vào dữ liệu này, nhiều trường đại học đã có thể nhìn thấy bức tranh xét tuyển rõ ràng hơn và đưa ra điểm chuẩn dự kiến.
Hôm qua 6/8, các trường đại học bắt đầu tham gia quy trình lọc ảo và xét tuyển đại học. Nhóm lọc ảo phía Nam do Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì, nhóm phía Bắc là Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Bộ GD-ĐT thực hiện từ nay đến 17g ngày 8/8.
Theo nhóm lọc ảo phía Nam, ngày 6/8 thực hiện lọc ảo ba lần và Bộ GD-ĐT thực hiện lọc ảo toàn quốc hai lần. Dựa vào dữ liệu này, nhiều trường đại học (ĐH) đã có thể nhìn thấy bức tranh xét tuyển rõ ràng hơn và đưa ra điểm chuẩn dự kiến.
Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tăng mạnh so với năm 2018. Số lượng thí sinh từ 18-20 điểm chiếm hơn 30% số lượng thí sinh.
Theo dự đoán, điểm chuẩn các ngành sẽ dao động từ 19-21 điểm. Các ngành có ít thí sinh đăng ký như khoa học thủy sản, công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ vật liệu nhiều khả năng có điểm chuẩn sát với điểm sàn xét tuyển là 15 điểm. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường, dự báo điểm chuẩn sẽ tăng từ 0,5-2 điểm so với năm trước.
Các trường lọc ảo sẽ giúp thí sinh không bị rớt oan
Sau khi trải qua mấy bận lọc trong nhóm xét tuyển phía Nam, dữ liệu này được chạy chung cả nước. Dựa vào kết quả được trả về sau đợt lọc chung đầu tiên, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: kết quả ngày đầu cho thấy điểm sẽ cao và tăng khá nhiều so với năm trước ở nhiều ngành. Nhưng phải chờ lọc thêm vài lần nữa mới có thể đưa ra điểm chuẩn chính xác.
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết: tổng nguyện vọng xét tuyển vào trường là 17.000, với 2.400 chỉ tiêu. Qua dữ liệu ngày đầu lọc ảo, trường dự kiến điểm chuẩn tăng từ 0,5-2 điểm so với trước đó. Một số ngành có điểm chuẩn tăng là ngôn ngữ Anh, dự kiến 19 điểm; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành khoảng 21 điểm, quản trị kinh doanh và quản trị du lịch lữ hành khoảng 20 điểm. Các ngành còn lại dao động ở mức 15-19 điểm.
Tương tự, dữ liệu của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng đang dần lộ diện mức điểm chuẩn tăng cao ở nhiều ngành. Các ngành “hot” như công nghệ thông tin, ô tô, logistics, cơ khí, cơ điện tử, điện - điện tử, ngôn ngữ Anh, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa dự kiến sẽ có điểm chuẩn cao.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, những ngành “hot” của trường hiện đang có điểm chuẩn xấp xỉ 23, các ngành còn lại không cách điểm sàn xét tuyển nhiều nên thí sinh có thể yên tâm.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, khi các trường tham gia xét tuyển theo nhóm, lợi ích rõ ràng nhất của thí sinh là tăng khả năng trúng tuyển. Với các trường ĐH, thao tác này sẽ giúp các trường xác định được mức gọi trúng tuyển phù hợp, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh.
Còn nhớ, năm 2016, một số trường đã đưa ra điểm chuẩn quá cao nên kết quả chỉ 40-80% thí sinh trúng tuyển nhập học, dẫn đến thiếu chỉ tiêu nhưng ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung lại không được hạ chuẩn thành ra không còn nguồn tuyển phù hợp, nhiều trường chịu cảnh tuyển thiếu chỉ tiêu năm đó.
Với việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp, tránh được ảo và điều này cũng giúp thí sinh không bị rớt oan. Phần mềm năm nay có cải tiến, chấp nhận thêm các điều kiện xét tuyển riêng của từng trường.
Nhờ vậy, các trường có thể cân nhắc những thí sinh có tham gia xét tuyển theo phương thức riêng ra để lấy điểm chuẩn phù hợp và chọn đúng người muốn học. Ví dụ những ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến điểm chuẩn hơn 27, nhưng sau khi lọc ảo phát hiện trong số thí sinh có kết quả đạt mức này đã vào trường công an, quân đội thì trường phải cân nhắc để dự kiến điểm chuẩn mới.
Nguồn theo Báo điện tử Phụ nữ TP.HCM