Hôm qua (15/8), kết thúc xác nhận nhập học đợt 1 đối với những thí sinh xét tuyển ÐH bằng kết quả thi THPT quốc gia. Những trường ÐH lớn đã tuyển đủ chỉ tiêu, không xét tuyển bổ sung đợt hai, nhưng có nhiều ngành học truyền thống đang rất khó khăn trong tuyển sinh cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ.
Bà Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, tính đến hết ngày 15/8, có 97% thí sinh đủ điểm trúng tuyển đến xác nhận nhập học theo hình thức trực tiếp. Thí sinh xác nhận qua đường bưu điện trường chưa nhận được đầy đủ vì đến 17h hôm qua mới hết hạn. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Hà Nội cũng đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên.
Còn tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS. TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, có trên 80% thí sinh xác nhận nhập học trực tiếp, số thí sinh xác nhận bằng đường bưu điện sẽ có số liệu thống kê trong vài ngày tới. Trường này vẫn còn một số ngành chưa đủ chỉ tiêu như Khoa học trái đất, Tài nguyên môi trường nhưng trường chưa cân nhắc có tuyển bổ sung đợt 2 hay không. Thực tế qua các năm nguồn tuyển đợt 2 đối với các ngành khoa học không còn. Đợt tuyển bổ sung chỉ còn nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập.
Thí sinh nhập học 2019. Ảnh: Như Ý
Với những ngành khó tuyển sinh, PGS Vũ Hoàng Linh đề xuất cần phải có chính sách đặc biệt. Những lĩnh vực như khí tượng thủy văn, dự báo thiên tai, môi trường thời gian tới rất cần nguồn nhân lực. Nhưng tất cả các trường đào tạo ngành này như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Xây dựng, ĐH Thủy lợi, ĐH Tài nguyên và Môi trường đều rất khó tuyển sinh. Nguyên nhân do người làm việc phải đi thực địa nhiều, vất vả và thu nhập rất thấp.
Theo PGS.TS Hoàng Linh, đây là những ngành rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường như hiện nay. Nếu không có chính sách thu hút khoảng 10 năm nữa sẽ thiếu trầm trọng nhân lực nhóm ngành nói trên. Lo ngại hơn khi những ngành này cần nhiều chuyên gia giỏi nhưng vì không có người học nên đầu vào của các trường đều rất thấp, chỉ 14-15 điểm. "Với đầu vào như thế này, rất khó để đào tạo ra được một chuyên gia giỏi. Trước đây, đầu vào của những ngành này đều là học sinh chuyên Toán", ông Linh cho biết.
Như vậy, những thí sinh không trúng tuyển đợt 1, tham gia xét tuyển bổ sung đợt 2 sẽ không còn cơ hội để học tại những trường top trên. Đại diện các trường cho biết, đợt xét tuyển bổ sung thường chỉ còn rất ít thí sinh có học lực khá giỏi “lọt sàng”. Chính vì vậy, tâm lý chung của các trường đều muốn tuyển nhanh gọn ngay trong đợt 1. Đợt 2, theo nhận định của các chuyên gia, nguồn tuyển cũng không còn nhiều và đó là “sân chơi” của các trường ngoài công lập và công lập có khối ngành khó tuyển sinh.
Nguồn theo Báo Tiền Phong