Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tuyển sinh gần 10.000 chỉ tiêu vào 10 đơn vị đào tạo theo phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Năm 2019, ĐHQGHN tuyển sinh trong cả nước và quốc tế 9.845 chỉ tiêu.
Cụ thể, 10 đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN có các chỉ tiêu như sau: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (QHT) có 1.540 chỉ tiêu; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (QHX) có 1.850 chỉ tiêu; Trường Đại học Công nghệ (QHI) có 1.460 chỉ tiêu; Trường Đại học Ngoại ngữ (QHF) có 1.640 chỉ tiêu; Trường Đại học Kinh tế (QHE) có 1.200 chỉ tiêu; Trường Đại học Giáo dục (QHS) có 595 chỉ tiêu; Khoa Luật (QHL) có 600 chỉ tiêu; Khoa Quốc tế (QHQ) có 550 chỉ tiêu; Khoa Y Dược (QHY) có 350 chỉ tiêu; Khoa Quản trị và Kinh doanh (QHD) có 100 chỉ tiêu.
Về phương thức tuyển sinh, ĐHQGHN xét tuyển các thí sinh có kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, gồm: Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60); thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi); thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 02 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).
Thời gian xét tuyển dự kiến từ ngày 10/7/2019 đến ngày 31/7/2019 với các thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và từ ngày 10/7/2019 đến 31/8/2019 đối với thí sinh sử dụng phương thức khác. Thời gian xét tuyển bổ sung dự kiến từ ngày 13/8/2019.
Đối với các chương trình đào tạo Tài năng, Chuẩn quốc tế, Chất lượng cao được xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia hoặc các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng chỉ tiêu đào tạo.
Một số chú ý đặc biệt ở các ngành học:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ưu tiên xét tuyển thẳng với các học sinh THPT chuyên thuộc ĐHQGHN được xét tuyển thẳng và xét tuyển vào bậc đại học tại ĐHQGHN phải tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm 3 năm học THPT đạt loại Tốt và đáp ứng một trong các tiêu chí là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN; đạt giải chính thức trong kỳ thi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên bậc THPT được tổ chức hàng năm; là thành viên chính thức của đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt danh hiệu học sinh giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT và có tổng điểm 4 bài thi/môn thi tốt nghiệp THPT đạt tối thiểu 28,0 điểm trong đó không có điểm bài thi/môn thi nào dưới 5,0 điểm.
Sau khi học hết năm thứ nhất, sinh viên chính quy của Trường ĐHKHXHNV có cơ hội học thêm một ngành thứ hai là một trong các ngành Báo chí, ngành Đông phương học (chuyên ngành Korea học, chuyên ngành Nhật Bản học), ngành Khoa học quản lí, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngành Quản trị văn phòng (dự kiến), ngành Quốc tế học và ngành Tâm lý học của Trường ĐHKHXHNV; ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, ngành Ngôn ngữ Nhật, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường ĐH Ngoại ngữ; ngành Luật học của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo của cả hai ngành sẽ được nhận hai bằng cử nhân chính quy.
Bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, Trường Đại học Công nghệ còn đào tạo các chương trình đào tạo chất lượng cao đáp ứng Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT đào tạo theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu của Nhật Bản, Việt Nam và quốc tế; tối thiểu 50% môn học chuyên môn được giảng dạy bằng Tiếng Anh; sử dụng phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực cá nhân và chú trọng phát triển năng lực phân tích, thực hành, sáng tạo, tự cập nhật kiến thức; năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; học phí cho chương trình này là 35.000.000 đồng/năm ổn định trong toàn khóa học.
Với các chương trình đào tạo chất lượng cao tại Trường Đại học Kinh tế, mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2019 là 140 triệu đồng/khóa, tương ứng 3,5 triệu đồng/tháng.
Dự kiến, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của Khoa Luật, ngành Luật là 17,0; ngành Luật chất lượng cao là 16,5; ngành Luật Kinh doanh; ngành Luật Thương mại Quốc tế là 17,0.
Học phí toàn khóa Khoa Quản trị và Kinh doanh là 245 triệu đồng. Thí sinh trúng tuyển có cơ hội được tham gia tại các chương trình chuyển đổi tín chỉ quốc tế 2+2 (2 năm tại Việt Nam và 2 năm tại nước ngoài) với các trường đại học từ Mỹ, Pháp, Úc, Phần Lan, Malaysia…
Nguồn theo Báo Tin tức