Các trường trung học phổ thông chủ động trong hoạt động dạy kết hợp ôn tập thích ứng với những thay đổi để đạt mục tiêu cũng như kết quả tốt nhất. Đó là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Theo ông Đỗ Văn Lợi - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, để đạt được kết quả thi cao, ngay từ đầu năm học, Sở đã có nội dung chỉ đạo cụ thể.
Năm học 2018-2019, các trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi…
Riêng về thi Trung học phổ thông quốc gia, Sở có nhóm giải pháp giao quyền tự chủ cho các trường gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Các trường có kế hoạch cụ thể sau khi Bộ chốt phương án thi Trung học phổ thông quốc gia 2019.
Đồng thời, sau khi kết thúc kỳ 1, các trường Trung học phổ thông chủ động trong hoạt động dạy kết hợp ôn tập thích ứng với những thay đổi để đạt mục tiêu cũng như kết quả tốt nhất.
Ông Phạm Huy Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quốc Tuấn (huyện An Lão) cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường phân luồng học sinh, xếp lớp theo khối thi để thuận tiện ôn luyện theo nguyện vọng thi của các em.
“Việc xếp bộ giáo viên dạy được ưu tiên những người có năng lực nhất, kế hoạch, giảng dạy kết hợp đề cương ôn luyện theo cấu trúc đề được các nhóm chuyên môn soạn thảo và duyệt từ Ban giám hiệu.
Có thể nói với phương thức vừa học vừa ôn tập, nhà trường căn bản ôn luyện xong vòng 1 các nội dung liên quan đến kỳ 1 chương trình lớp 12.
Quy trình sẽ tiếp tục như vậy ở kỳ 2, sau đó khi kết thúc năm học vào tháng 5/2019, chúng tôi sẽ ôn vòng 2 để học sinh tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia”, ông Hùng nói.
Theo thầy giáo Đoàn Thái Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, năm 2019, việc xét tốt nghiệp có thay đổi về tỷ lệ điểm, trong đó điểm lớp 12 chỉ chiếm 30% là một cải tiến tốt.
Việc này vừa giúp đánh giá quá trình và cũng giảm thiểu nguy cơ một số trường lợi dụng điểm trung bình lớp 12 để tăng tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh.
Với điểm mới này, học sinh sẽ học nghiêm túc hơn thay vì tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp 50/50 như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Đơn cử nếu lớp 12 một học sinh đạt điểm học lực 8.0 thì cần có điểm trung bình bài thi là 2.0 sẽ đỗ tốt nghiệp.
Nhưng năm 2019, theo tỷ lệ điểm bài thi tốt nghiệp 70% và điểm trung bình học lực là 30% thì buộc trung bình bài thi của thí sinh phải đạt 4 điểm mới đỗ tốt nghiệp.
Về công tác chấm thi, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có điều chỉnh theo hướng tăng cường sử dụng các thiết bị công nghệ nhằm hạn chế, khắc phục gian lận có thể xảy ra, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc và kết quả có sự tin cậy.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, theo phương án chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay, bài thi môn trắc nghiệm sẽ đưa về các trường đại học chấm; sử dụng camera giám sát 24/24 giờ đối với nơi bảo quản đề thi, bài thi và địa điểm chấm thi.
“Tôi cho rằng, đây là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, mọi giải pháp, thiết bị công nghệ cũng không thể vượt qua trách nhiệm, ý thức của con người.
Vì vậy, cần lựa chọn nhân sự là những người có tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm, ý thức pháp luật cao có như vậy mới bảo đảm sự công bằng, khách quan nghiêm túc trong kỳ thi, đồng thời chọn lựa được học sinh thực sự giỏi để học bậc học cao hơn”, ông Dương nói.
Phương án thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về cơ bản vẫn được tổ chức như năm 2018.
Tuy nhiên, có điểm mới là đề thi của thí sinh nằm trong chương trình cấp Trung học phổ thông, từ lớp 10 đến 12 nhưng chủ yếu là chương trình lớp 12.
Việc này bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở tuyển sinh.
Như vậy so với năm 2018, lượng kiến thức lớp 11 trong đề thi sẽ giảm tải tối đa.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Đối với giáo dục thường xuyên, bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm hai môn Địa lý và Lịch sử.
Thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm có thể chọn bài thi độc lập hoặc bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội phù hợp tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường.
Nguồn theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam