Việc đăng ký nguyện vọng là vô cùng quan trọng với các thí sinh. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều bạn băn khoăn trước việc sắp xếp nguyện vọng cũng như chọn nguyện vọng thế nào để đảm bảo chắc chắn đỗ đại học. Thí sinh có thể tham khảo bài viết dưới đây để sắp xếp nguyện vọng một cách thông minh nhất.
Bao nhiêu nguyện vọng là đủ?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Vì thế, rất nhiều thí sinh đăng ký hàng chục nguyện vọng. Thậm chí năm 2018 có thí sinh đăng ký tới... 50 nguyện vọng. Việc này khiến bạn vừa tốn thời gian vừa tốn tiền lệ phí.
Tốt nhất, mỗi bạn chỉ nên đăng ký khoảng 4-6 nguyện vọng là thích hợp nhất.
Cách đăng ký nguyện vọng thông minh
- Trước hết, thí sinh nên dành thời gian để suy nghĩ về việc mình thích ngành nào (căn cứ vào sở trường, cơ hội việc làm, năng lực học tập...).
- Sau đó lựa chọn ngành này có những trường nào đào tạo
- Xem điểm chuẩn 3-5 năm trước của ngành và trường đó.
- Khoanh vùng những trường có mức điểm bằng hoặc dao động quanh năng lực của mình.
- Loại bỏ những trường có mức điểm quá cao so với khả năng. Ví dụ: mức điểm bạn có thể đạt được là 20 điểm, bạn không nên đăng ký trường có mức điểm dao động nhiều năm từ 27-28 điểm.
- Chia nguyện vọng ra làm 3 nhóm:
- Nhóm trường cao hơn một chút so với năng lực
- Nhóm trường vừa tầm với năng lực
- Nhóm trường thấp hơn với năng lực để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
- Viết nguyện vọng. Ở bước viết nguyện vọng thì việc sắp xếp thứ tự là vấn đề rất đáng quan tâm bởi nó quyết định bạn sẽ học trường nào. Vì thế, ở bước này, thí sinh nên:
- Sắp xếp nguyện vọng 1 là ngành/trường rất thích học và chắc chắn sẽ theo học nếu đỗ. Đừng để nguyện vọng "chắc ăn" lên đầu. Nhiều thí sinh rất thích một ngành nhưng vì quá lo sợ mà điền nó vào các nguyện vọng dưới. Đến lúc xét tuyển mới biết ngành đó điểm mình có thể đạt được thì không được xét do đã trúng tuyển các ngành học (dù thấp điểm hơn) phía trên. Như vậy sẽ đầy nuối tiếc.
- Nguyện vọng 2 là ngành/trường cũng phù hợp với sở thích của mình và cũng sẽ học nếu như không đỗ nguyện vọng 1.
- Các nguyện vọng tiếp theo căn cứ vào sở thích, mức điểm và hãy đảm bảo có nguyện vọng "an toàn" để chắc chắn đỗ.
- Nhìn chung các thí sinh nên chọn nguyện vọng đều là những sở thích của mình.
Sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần trong khoảng thời gian quy định. Chắc chắn lúc này bạn sẽ dao động và muốn thay đổi nguyện vọng. Hãy suy nghĩ thật kỹ và vẫn ưu tiên nguyện vọng 1 cho ngành học rất yêu thích, rất muốn học. Chỉ nên thay đổi nguyện vọng nếu điểm thi không cao, không đủ an toàn so với điểm chuẩn của trường đó.
Với cách đăng ký nguyện vọng như trên, nếu áp dụng đúng, các bạn khó có thể trượt đại học.
Suzy