Ngữ Văn là môn tự luận duy nhất trong các môn thi THPT quốc gia 2019. Đây cũng là môn khó với nhiều thí sinh, đặc biệt là các thí sinh lựa chọn khối tự nhiên. Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn "ẵm" điểm cao môn Văn dễ dàng hơn.
Phân bổ thời gian làm bài
Đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia gồm 2 phần: ĐỌC HIỂU (3 điểm) và LÀM VĂN (7 điểm). Với thời gian làm bài 120 phút, bạn có thể phân bổ thời gian theo chiến lược 15/25/80 khi làm bài. Cụ thể là
- 15 phút để làm phần ĐỌC HIỂU. Phần này chỉ chiếm 30% số điểm và không hóc búa nên bạn cần tiết kiệm thời gian và chiếm trọn 3 điểm của phần này.
- 25 phút để làm câu 1 của phần LÀM VĂN. Phần này thường là bàn về một đạo lý, triết lý cuộc sống như thành công, trung thực... hay hiện tượng xã hội và rút ra bài học với bản thân. Phần này cũng tương đối dễ ăn điểm vì gắn liền với thực trạng cuộc sống.
- 80 phút còn lại dành cho bạn làm câu 2 của phần LÀM VĂN. Đây là phần nghị luận văn học chiếm số điểm nhiều nhất trong đề thi.
LƯU Ý: Với phần LÀM VĂN, tốt nhất bạn nên vạch ra dàn ý, có luận điểm rõ ràng. Đặc biệt là phần Nghị luận xã hội không nên viết lan man, không đúng trọng tâm, rất dễ bị trừ điểm.
Yếu tố cơ bản để làm văn hay
- Đi đúng trọng tâm đề bài, không lan man, không lạc đề
- Bài viết có mở, thân, kết bài rõ ràng, hợp lý
- Sử dụng từ ngữ chính xác, không sử dụng những từ không phù hợp hoàn cảnh, mục đích bài viết
- Đảm bảo ngữ pháp của câu văn, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ
- Chữ viết sạch đẹp, không gạch xóa chi chít
Phần đọc - hiểu
- Đọc kỹ câu hỏi, gạch chân từ khóa quan trọng trong câu hỏi trước khi đọc đoạn văn
- Trả lời ngắn gọn, xúc tích, đúng trọng tâm của câu hỏi
Tại phần đọc hiểu, ngân hàng kiến thức là vô cùng nhiều. Thí sinh cần phải biết những dạng câu hỏi nào thường gặp, câu hỏi nào ít gặp để khoanh vùng ôn tập.
Tham khảo:
- Câu 1 thường là câu kiểm tra kiến thức tiếng Việt và văn học. Để làm tốt câu này, sĩ tử cần nắm rõ về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phương thức lập luận, đề tài, thể loại,…
- Câu 2 người học chú ý câu hỏi dạng như: "Theo tác giả, (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) được nói đến trong đoạn trích là gì?", hay "Anh/ chị hiểu thế nào về (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) trong đoạn trích trên?"...
- Câu 3 thường ở dạng: vì sao sao tác giả cho rằng (ý kiến)?
- Câu 4 thường kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng của thí sinh vào thực hành. Dạng câu hỏi thường gặp là: "Anh/chị có đồng quan điểm với tác giả không? Vì sao?", "Bài học rút ra từ đoạn trích trên?"...
Phần làm văn
1. Câu 1
- Với câu hỏi về đạo lý cuộc sống, thí sinh cần trả lời được các câu hỏi "Định nghĩa", "Tại sao?", "Ngược lại thì như thế nào?", sau đó kết luận. Bạn cần thể hiện quan điểm của mình và đưa bằng chứng trong cuộc sống để chứng minh quan điểm đó.
- Với câu hỏi về hiện tượng trong cuộc sống, thí sinh cần trả lời các câu hỏi trọng tâm: Vấn đề gì đang diễn ra? Ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới xã hội? Nguyên nhân của hiện tượng? Bài học rút ra được sau khi chứng kiến hiện tượng đó là gì?...
2. Câu 2
Bạn nên tập trung nghe giảng, vạch ra các ý chính trong tác phẩm rồi mới học đến các chi tiết phụ. Cách này giúp bạn dễ học, dễ nhớ và không lo bỏ sót ý khi làm bài. Riêng những luận điểm chính đã giúp bạn chiếm được một lượng điểm nhất định trong tổng điểm. Vì thế nếu bạn không thể phân tích sâu thì cũng có được số điểm nhất định.
Thí sinh cũng nên tập viết nhiều, tìm và giải các đề thi của năm trước để không bỡ ngỡ. Để học hiệu quả, thí sinh có thể nhóm các tác phẩm theo từng nhóm như theo đề tài, chủ đề, giai đoạn văn học, tác giả, khuynh hướng (lãng mạn, hiện thực, sử thi,...), trào lưu, thể loại (trữ tình - tự sự - kịch - nghị luận),... để tiện ghi nhớ và phân tích.
Suzy