Trung tâm Giáo dục Quốc phòng của Trường Đại học Cần Thơ tại xã Hòa An, Phụng Hiệp, Hậu Giang, bắt đầu hoạt động 2014, là cơ sở đào tạo giáo dục quốc phòng-an ninh dành cho sinh viên đầu tiên ở ĐBSCL.
Chiều 25/2, tại thành phố Cần Thơ, đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục Quốc phòng và An ninh năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức.
Tại đây Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ Hà Thanh Toàn cho biết Trường đang có định hướng mở ngành cử nhân ngành Giáo dục Quốc phòng - An ninh để đào tạo giáo viên bộ môn này cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Hà Thanh Toàn, hiện nay trường có khoảng 50.000 sinh viên đang theo học. Năm 2018, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh của trường đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức giáo dục quốc phòng cho khoảng 12.000 sinh viên. Trong đó, ngoài Trường Đại học Cần Thơ còn có Trường Đại học Y dược Cần Thơ và Trường Đại học FPT chi nhánh Cần Thơ.
Về nhân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng của Trường Đại học Cần Thơ trước đây có 22 giáo viên là sỹ quan biệt phái. Tuy nhiên, do một số nhân sự nghỉ hưu nên hiện tại trung tâm chỉ còn 18 sỹ quan đảm nhiệm công tác đào tạo cho khoảng 14.000 sinh viên mỗi năm. Theo ông Toàn, với số lượng sinh viên như trên trong khi nhân sự giảm thì đã xuất hiện hiện tương quá tải.
Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng của trường có đầy đủ nguồn lực để cùng với Khoa Sư phạm xin đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở ngành Cử nhân giáo dục Quốc phòng-An ninh với mục tiêu đào tạo giáo viên môn này cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, ông Hà Thanh Toàn mong muốn Cục Chính trị Quân khu 9 ủng hộ nhà trường thực hiện đề án này.
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng của Trường Đại học Cần Thơ trú chân tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bắt đầu đi vào hoạt động năm 2014. Đây là cơ sở đào tạo giáo dục quốc phòng-an ninh dành cho sinh viên đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long, được đầu tư xây dựng trên diện tích 14ha với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng.
Việc ra đời Trung tâm này đã đưa hoạt động giáo dục quốc phòng-an ninh cho sinh viên vào nề nếp chính quy, tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng-an ninh.
Báo cáo tại Hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Diệp, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, cho biết trong năm qua được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan liên quan, công tác giáo dục quốc phòng-an ninh trong các nhà trường trên địa bàn quân khu được thực hiện nghiêm túc.
Môn giáo dục quốc phòng được xác định là môn học chính khóa như các môn khác với 100% học sinh, sinh viên được học theo quy định. Toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có 1.281 giáo viên giảng dạy môn giáo dục Quốc phòng-An ninh từ bậc trung học phổ thông đến đại học. Trong số này, giáo viên chuyên trách là 868 người, giáo viên kiêm nhiệm là 357 người, so với nhu cầu thì còn thiếu 48 giáo viên.
Nguồn theo VietnamPlus.