Hiện nay, các trường đại học (ÐH) trên cả nước bắt đầu công bố phương án tuyển sinh. Một thực tế cho thấy, trong khi nhiều trường ÐH khu vực phía Nam lấy thi kết quả đánh giá năng lực để tuyển sinh thì các trường khu vực phía Bắc lại “chung thủy” với phương án tuyển sinh truyền thống.
Phía Bắc: Lựa chọn phương án an toàn
Tại khu vực phía Bắc, ba phương án được các trường lựa chọn đó là: lấy kết quả thi THPT quốc gia, xét học bạ THPT và xét tuyển kết hợp. Năm 2019, trường ĐH Thủy lợi tuyển sinh đại học hệ chính quy theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 và xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (Học bạ).
Phương án tuyển sinh dự kiến của trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cũng có 3 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng kết hợp; Xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia; Xét tuyển học bạ. Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển các thí sinh có kết quả kỳ THPT quốc gia năm 2019; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ SAT với kết quả học THPT các tổ hợp theo yêu cầu của trường.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến giữ ổn định tuyển sinh như năm 2018 đó là lấy kết quả thi THPT quốc gia. Theo lý giải của PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì kết quả thi THPT quốc gia vẫn đảm bảo được chất lượng đầu vào của trường. Từ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, kết quả sơ bộ cho thấy nguồn tuyển của trường và chất lượng vẫn đảm bảo. “Khi lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh đã lượng được sức mình. Vì không phải điểm đầu vào cao hay thấp mà do chương trình học của trường đòi hỏi năng lực thực sự của thí sinh” - PGS Trần Văn Tớp nói. Vì vậy nên trường nhận thấy chưa cần thiết phải có thêm một đợt đánh giá năng lực nào nữa để tránh tốn kém và mất thời gian của thí sinh.
Phía Nam: tất bật tổ chức đánh giá năng lực
Khác với khu vực phía Bắc, các trường ĐH khu vực phía Nam lại rất sôi động với đánh giá năng lực. Đến nay đã có năm trường ĐH tự đứng ra tổ chức thi (ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH FPT và ĐH Quốc tế). Ngoài ra, hơn 20 trường khác cũng sử dụng kết quả đánh giá năng lực từ ĐH Quốc gia TPHCM để xét tuyển, tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Tính đến thời điểm này đã có gần 20.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, tăng gấp năm lần tổng số thí sinh dự thi năm trước.
Riêng tại ĐH Quốc gia TPHCM, chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức đánh giá năng lực năm 2019 chiếm tối đa 40% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các trường thành viên, khoa trực thuộc của ĐH Quốc gia TPHCM. Bên cạnh đó, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng không giới hạn số lượng vào các trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống có sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức thành 2 đợt.
Ở đợt 1, từ ngày 18/1 - 28/2, ĐH này bắt đầu nhận đăng ký dự thi. Kỳ thi đợt 1 diễn ra tại TPHCM và Bến Tre, công bố kết quả ngày 10/4. Ở đợt 2, thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 15/4 - 31/5. Ngày 7/7, kỳ thi sẽ được tổ chức tại TPHCM, khu vực ĐBSCL (Cần Thơ hoặc An Giang), khu vực miền Trung (Quy Nhơn hoặc Đà Nẵng) và công bố kết quả thi vào ngày 15/7.
Năm nay là năm thứ ba ĐH Luật TPHCM tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức. Đây là một phần thi chiếm 30% tổng điểm khi xét tuyển, bên cạnh 10% học bạ và 60% điểm THPT quốc gia.
Còn tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, dù là năm đầu tiên trường dự kiến sẽ dành đến 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. 4 phương thức xét tuyển còn lại trong đó 50% chỉ tiêu sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; 10% chỉ tiêu để xét học bạ; 5% chỉ tiêu để xét học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình phổ thông nước ngoài và 5% chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi SAT.
Nguồn theo Báo điện tử Tiền Phong