Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết (hệ thống Học Mãi) chỉ ra phương pháp làm văn hiệu quả nhằm giúp thí sinh ôn tập tốt cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới.
Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội là kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa, học sinh chỉ cần dành sự quan tâm nhất định tới những vấn đề của cuộc sống, xã hội xung quanh mình. Cùng với đó, các em dành thời gian luyện đề theo những cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục thì sẽ thuần thục về kĩ năng.
“Học sinh dành thời lượng nhiều nhất đến 11 tác phẩm văn học làTây Tiến, Việt Bắc, Đất Nước, Sóng, Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, Hồn Trương Ba da hàng thịt để ôn tập có trọng tâm”, TS. Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh.
TS. Trịnh Thu Tuyết khuyên học sinh phải biết phương pháp ôn tập khoa học, thông minh, tránh học vẹt, học thuộc lòng. Ví dụ với 3 giờ trong 3 ngày, ngày đầu, các em đọc toàn bộ đoạn trích trong sách giáo khoa để ghi nhớ cốt truyện, chi tiết dẫn chứng, những lời thoại quan trọng hoặc nhớ những đoạn thơ, câu thơ quan trọng..., kết hợp đọc bài giảng của thầy cô đã được ghi lại trong vở.
Ngày thứ hai, các em có thể tách khỏi sách và vở, tự hệ thống hoá lại kiến thức đã được tiếp nhận khi nghe giảng theo kiểu lập sơ đồ tư duy (chỉ là hệ thống ý lớn ý nhỏ, không cần vẽ cây cành xanh đỏ tím vàng...). Sau đó, các em có thể đọc lại vở ghi để kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung phần kiến thức đã tiếp nhận và hệ thống hoá.
Ngày thứ ba, các em xác định các đoạn trong bài thơ, các chi tiết trong văn xuôi, kịch có khả năng xuất hiện trong tình huống đề, tìm mối liên hệ, hướng triển khai ý..., có thể xin ý kiến thầy cô.
Cũng theo TS. Trịnh Thu Tuyết, để có thể làm tốt bài thi Ngữ văn, học sinh cần xác định đúng mức độ yêu cầu của 4 câu hỏi Đọc hiểu để trả lời phù hợp: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các em tránh dài dòng câu nhận biết hoặc sơ sài câu thông hiểu, vận dụng.
“Xác định đúng 1 nội dung hẹp của vấn đề được yêu cầu nghị luận, tập trung bàn luận duy nhất bình diện ấy, không sa đà, lan man. Tuyệt đối không viết đoạn văn nghị lận xã hội thành bài văn thu nhỏ với sự triển khai hệ thống ý của cả vấn đề nghị luận. Nội dung nghị luận cần viết chân thực, tránh sáo rỗng theo mẫu, luôn thể hiện quan niệm, suy nghĩ độc lập của chính mình”, TS. Trịnh Thu Tuyết lưu ý.
Với câu Nghị luận văn học, học sinh cần giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận trước khi triển khai hệ thống ý nghị luận.
TS. Trịnh Thu Tuyết cho rằng, theo mô hình đề tham khảo của Bộ năm nay, câu Nghị luận văn học có thể đi vào phân tích các chi tiết nhỏ của tác phẩm để làm hiện hữu một vấn đề của nội dung tác phẩm. Cho nên, học sinh cần tránh hai xu hướng, hoặc hoà tan hai/ba chi tiết được yêu cầu phân tích trong cả hệ thống chi tiết toàn bài, khiến bài luận không thực hiện được yêu cầu của đề; hoặc cắt rời hai/ba chi tiết đó, phân tích độc lập, không hề kết nối với hệ thống chi tiết của tác phẩm, khi ấy, bài làm sẽ không thể phát triển được ý, sự phân tích sẽ rất sơ sài và thậm chí sai lệch với chủ đề tác phẩm.
“Cần xác định vị trí của chi tiết với một nội dung nào đó của tác phẩm, phân tích chi tiết như hệ quả của hệ thống chi tiết liên quan, vừa không tách rời, vừa không hoà tan, chi tiết nhỏ sẽ được hiện ra trong tầm vóc lớn góp phần thể hiện một giá trị nội dung nào đó của tác phẩm”, TS. Trịnh Thu Tuyết gợi ý cách phân tích chi tiết trong tác phẩm.
Nguồn theo Báo điện tử VTC