Mùa tuyển sinh 2019, Học viện Ngân hàng dành ít nhất 90% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia và không quá 10% chỉ tiêu xét tuyển thẳng, xét tuyển đại học chính quy căn cứ kết quả học tập THPT.
Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng - Phạm Quốc Khánh cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2019 của Học viện là 3.950, ngang bằng năm trước. Tuy nhiên, trong các phân viện và ngành lại có sự điều chỉnh về chỉ tiêu.
Ngành Kinh tế mới được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh từ năm 2018, năm nay tăng thêm 50 chỉ tiêu thành 150. Các ngành khác cũng có chỉ tiêu tăng hơn năm 2018 là: Tài chính 650 chỉ tiêu; Kinh doanh quốc tế 500 chỉ tiêu.
Đối với Phân viện Phú Yên, Học viện điều chỉnh giảm còn 200 chỉ tiêu, áp dụng cho 3 ngành (Tài chính ngân hàng 100 chỉ tiêu, Kế toán 50 chỉ tiêu, Quản trị kinh doanh 50 chỉ tiêu). Phân viện Bắc Ninh có 300 chỉ tiêu dành cho 2 ngành: Tài chính ngân hàng 200 chỉ tiêu, Kế toán 100 chỉ tiêu.
“Sở dĩ nhà trường vẫn giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước là để củng cố và đảm bảo chất lượng những ngành đang được đào tạo. Năm nay Học viện tăng số lượng giảng viên và trình độ tiến sĩ, PGS. Trong tháng 6 tới, Học viện sẽ đưa vào sử dụng khu giảng đường có tổng số 28 phòng” - ông Quốc Khánh cho hay.
Một điều chỉnh nữa của Học viện Ngân hàng là đối tượng thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên quốc gia và chuyên tỉnh phải có tổ hợp điểm lớn hơn hoặc ngang bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng do Học viện công bố.
Học viện áp dụng 4 tổ hợp để xét tuyển cho mỗi ngành. Riêng ngành Kinh tế nhà trường dành 50 chỉ tiêu cho nhóm thí sinh đăng ký các tổ hợp có môn tự nhiên (A00, A01, D01). 250 chỉ tiêu còn lại được xét tuyển theo tổ hợp truyền thống có các môn liên quan đến khối C.
Nguồn theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị