Kỳ thi THPT quốc gia 2019 hứa hẹn có nhiều thay đổi về công tác tổ chức thi cũng như công tác tuyển sinh của các trường đại học nhằm khắc phục những hạn chế đã bộc lộ từ những năm trước. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của các trường đại học cũng được đề cao hơn ở kỳ thi tới đây.
Nhiều điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh
Về công tác tuyển sinh đại học năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, dự kiến sẽ có 6 nội dung được điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm 2019, Bộ sẽ xây dựng, xin ý kiến góp ý trước khi ban hành. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất, các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải thực hiện đầy đủ tất cả các bước của quy trình xét tuyển. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng dự kiến điều chỉnh chính sách ưu tiên đối với đối tượng là quân nhân. Theo đó, đối tượng quân nhân dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn.
Đặc biệt, với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Các trường có ngành sức khỏe, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 loại giỏi. Ngoài ra, tại quy chế tuyển sinh 2019 có thể điều chỉnh lại quy định đó là các trường tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Đối với thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác cũng như không được xét tuyển các đợt tiếp theo.
Trước những dự kiến thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm 2019 của Bộ GD&ĐT, bà Phụng cũng khẳng định, những dự kiến thay đổi nói trên được dựa trên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Bên cạnh đó là khắc phục một số bất cập của Quy chế tuyển sinh năm 2018.
Nếu những dự kiến điều chỉnh quy chế tuyển sinh nêu trên của Bộ GD&ĐT được thực hiện thì năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với ngành Sư phạm và khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào. Bà Phụng khẳng định: “Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng, hiệu quả và công bằng trong tuyển sinh đại học 2019. Tổ chức tốt về phân luồng, thu hút học sinh giỏi vào ngành Sư phạm”.
Góp ý đối với những điểm dự kiến điều được chỉnh trong Quy chế tuyển sinh năm 2019, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất, Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý liên quan cần xét chỉ tiêu đào tạo đối với từng ngành cụ thể để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đào tạo giữa các ngành, nghề.
Ông Điền cũng đã chỉ ra lỗ hổng về quy hoạch đào tạo. Cụ thể: Đối với khu vực miền Bắc số thí sinh tuyển sinh vào các ngành kỹ thuật và công nghệ số chiếm tỉ lệ 30%. Tuy nhiên, đối với một số ngành như cầu đường, hóa chất, luyện kim… đều là những ngành quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Bởi người học có tâm lý e ngại điều kiện làm việc vất vả, đãi ngộ chưa xứng đáng nên có nhiều trường cơ sở vật chất, chương trình đào tạo những ngành này tốt thì lại không có người học. Trong khi những ngành như: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Cơ điện tử… lại rất đông người học nhưng trong thời gian ngắn các trường không thể cải thiện được điều kiên cơ sở vật chất, chương trình đào tạo bài bản.
Ông Điền cũng nhận định, những năm qua, các trường đã tận dụng khá tốt tính tự chủ tuyển sinh khi một số trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, một số trường thì tận dụng xét học bạ hay xét tuyển dựa vào một số tiêu chí. “Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta xem xét thời gian giữa các phương thức xét tuyển. Bởi với một số trường xét bằng học bạ thì mong muốn thí sinh xác nhận nhập trước thời gian công bố kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, từ đó gây ra một số xáo trộn đối với thí sinh và các trường. Hy vọng, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thời gian nhập học và thời gian xác nhận nhập học đối với các trường trong cùng một thời điểm”.
Trách nhiệm của các trường đại học nặng hơn
Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh một số kỹ thuật công tác tổ chức kỳ thi nhằm khắc phục những hạn chế của Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, vai trò của các trường đại học, cao đẳng sẽ nặng nề hơn khi phải tham gia vào tất các khâu của kỳ thi, đặc biệt các trường phải trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm.
Trước những điều chỉnh kỹ thuật của Bộ GD&ĐT, ông Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: “Thời gian vừa qua, kỳ thi 2 trong 1 đã bộc lộ nhiều vấn đề, nhưng tôi đồng tình với Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì kỳ thi này. Bởi hiện các trường vẫn chủ yếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để phục vụ cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần phải tăng cường vai trò của các trường đại học ở trong khâu chấm thi và coi thi để các cơ sở giáo dục có thể tin tưởng vào kết quả của kỳ thi”.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019, trách nhiệm của các trường đại học được đề cao hơn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Đại học và Sau Đại học, Trường Đại học Thủy lợi nhận định: “Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã xảy ra tình trạng gian lận ở nhiều địa phương nên cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh kỹ thuật nhằm khắc phục những nhược điểm của kỳ thi năm ngoái, trong đó vai trò của các trường đại học cũng nhiều hơn và sẽ phải vất vả hơn. Tuy nhiên, việc này sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng cho thí sinh, đồng thời, các trường cũng sẽ yên tâm khi sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh”.
Nguồn theo Báo Hải Quan