Ma trận đề thi THPT Quốc gia năm 2019 môn Toán bao gồm 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 (45/50 câu), 10% kiến thức chương trình lớp 11 (5/50 câu) và không có kiến thức chương trình lớp 10.
Theo nhận định của thầy Nguyễn Đức Hùng, giảng viên đại học FPT, đề thi Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vẫn phân loại rõ: “Theo tôi, đề thi Toán năm nay, 20% câu cuối chắc chắn cũng sẽ là một thử thách cho các bạn học sinh chinh phục, nếu các bạn chăm chỉ ôn luyện thì đó sẽ không phải là trở ngại mà sẽ giúp thí sinh “ăn điểm”.
Cấu trúc đề thi năm nay sẽ phân bổ tương tự như mẫu minh họa vừa rồi của bộ GD&ĐT. Về độ khó, dựa theo các dạng đã ra trong đề mẫu để loại trừ dạng đó ra, học theo dạng tương tự”.
Thầy Nguyễn Đức Hùng phân tích: “Đối với mỗi bài toán, cách giải nhanh thì rất nhiều, tuy nhiên, muốn vận dụng cách giải nhanh thì phải có quá trình học và hiểu, không thể đọc công thức cho học sinh “áp” vào, vì tỷ lệ “áp” sai rất nhiều.
Tức là, khi giáo viên cho công thức, nếu học sinh không thực sự hiểu thì không vận dụng được kỹ năng bấm máy tính, bấm rất hay sai. Nếu học sinh trông chờ vào kỹ năng bấm máy tính để bỏ qua các giai đoạn học hiểu, đó hoàn toàn là một sai lầm, một khi đã không hiểu thì bấm chắc chắn sẽ lỗi.
Đây là giai đoạn các thí sinh nên rà soát lại toàn bộ kiến thức Toán và chuẩn bị tâm lý thoải mái, ổn định nhất trước kỳ thi. (Ảnh minh họa).
Không có một phương án nào là chắc chắn 100% cho đáp án của đề. Chắc chắn vẫn phải qua một giai đoạn học hiểu, và tùy thuộc cách truyền đạt của giáo viên kết hợp với lắp ghép công thức, để đẩy nhanh giai đoạn học hiểu cho học sinh”.
“Trong thực tế, ai đó mà nói, có thể giải toàn bộ đề thi, hoặc đến khoảng 80% đề chỉ hoàn toàn bằng máy tính mà không cần học hiểu là hoàn toàn sai. Nhiều thầy cô luyện thi vẫn hay PR như vậy, hoàn toàn là không thể”, giảng viên đại học FPT khẳng định.
Khi mùa thi THPT Quốc gia 2019 đang đến ngày một gần hơn, giảng viên Nguyễn Đức Hùng cũng đưa ra những lời khuyên dành cho các thí sinh. Giai đoạn tháng 5 này, theo thầy Hùng, các sĩ tử nên tập trung ôn tập theo hệ thống các chuyên đề nhỏ. Luyện chắc lại các nội dung, ví dụ 10 nội dung chương trình lớp 12, 2-3 nội dung chương trình lớp 11, tất cả cần được phân bổ đều ra trong một tuần, chuyên tâm vào đó.
“Giai đoạn này, sĩ tử không nên quá chuyên tâm luyện đề, bởi, nếu luyện đề mà kiến thức không chắc thì rất dễ nản, nên khi chỉ giải được khoảng 60-65% sẽ nản và dừng lại. Như vậy rất mất thời gian.
Bước sang tháng 6, sẽ tổng ôn lại kiến thức với tốc độ nhanh hơn, kết hợp với mỗi buổi học, sẽ cho học sinh luyện khoảng hai đề, hướng dẫn những câu lấy từ điểm 7 trở lên, vì những câu lấy 6-6,5 điểm là học sinh đã phải tự xử lý được”.
Thầy Nghiêm Xuân Lực, giáo viên dạy Toán, trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cũng nhận định: “Nội dung đề thi năm nay vẫn sẽ bám sát những nội dung cơ bản và những nội dung phân loại học sinh rõ rệt. Nếu học sinh nắm chắc kiến thức trên lớp thì có thể làm được từ 6-6,5 điểm, mức độ khó sẽ phân theo từng cấp độ trong đề thi. Đặc thù của hình thức trắc nghiệm nên kiến thức trải đều trên các chương, tuy nhiên, kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 1-1,5 điểm và chủ yếu là kiến thức lớp 12”.
“Đang bước vào giai đoạn cuối, tôi cho rằng học sinh nên rà soát lại các kiến thức cơ bản. Khi làm bài, thí sinh cần lưu ý, cẩn trọng, tránh để mắc những lỗi sai đáng tiếc trong khoảng từ câu 1 đến câu 30. Nếu thí sinh làm tốt 30 câu đầu sẽ tạo được tâm thế tốt, sẵn sàng làm thật tốt các câu sau, không bị “đánh rơi” những điểm đáng tiếc. Điều quan trọng, các sĩ tử phải giữ vững tâm lý ổn định, để hoàn thành bài thi thật tốt trong phòng thi”, thầy Lực nhấn mạnh.
Xem thêm: |
Nguồn theo Báo điện tử Người đưa tin