Trong tổng số 1.600 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 của trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Dệt May Hà Nội có 1.150 trình độ đại học (ĐH) và 450 trình độ cao đẳng cho 7 ngành đào tạo.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp cho biết, năm nay nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức. Phương thức xét tuyển theo phương án riêng được áp dụng đối với thí sinh có kết quả học tập năm lớp 12 đạt loại giỏi trở lên hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEIC hoặc TOEFL đạt 450 trở lên hoặc IELTS từ 4,5 trở lên và tương đương.
Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia 2019, nhà trường sẽ lấy khoảng 50% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển điểm học bạ THPT được thực hiện dựa vào điểm tổng kết năm học lớp 12 trong học bạ của các môn thí sinh đăng ký xét tuyển.
Ngoài 3 phương thức này, thí sinh đăng ký ngành Thiết kế thời trang có thể sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển môn Vẽ mỹ thuật tại trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Chia sẻ về ngành Công nghệ May có số lượng tuyển lên tới 740 chỉ tiêu trình độ ĐH, ông Hoàng Xuân Hiệp cho hay: Trong ngành này có các chuyên ngành như Thiết kế mẫu công nghiệp, Thiết kế công nghệ; Quản lý chất lượng; Quản lý sản xuất.
Trước thông tin cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến 70% lao động trong ngành dệt may bị mất việc bởi máy móc thay thế, ông Hiệp phản hồi: Lao động có trình độ tay nghề thấp có thể bị thay thế. Còn những người học ngành Công nghệ May trình độ cao đẳng, ĐH trở lên thì các DN đang cần rất nhiều.
“Nhà trường đào tạo nhân lực may ở mảng thiết kế (sản phẩm, mẫu, dây chuyển); quản trị nhà máy; quản trị chuỗi cung ứng… đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, năm nay, nhà trường không tăng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH. Cộng với trường có 1 DN chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu là nơi tiếp nhận sinh viên thực tập sẽ giúp tiếp cận được ngay tốc độ sản xuất, ra trường có việc làm ngay đáp ứng được nhu cầu của DN” - ông Hiệp khẳng định.
Nguồn theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị