Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2019 sẽ cao hơn năm 2018. Một số ngành sẽ chỉ tuyển tổ hợp khối D do đặc thù về ngôn ngữ.
Thông tin về những điểm mới trong công tác tuyển sinh 2019 của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết: Tổng chỉ tiêu dự kiến là 1.950, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2018. Trường sẽ tuyển sinh thêm 1 ngành học mới là Nhật Bản học và hai chương trình đào tạo chất lượng cao gồm: Báo chí, Khoa học quản lý.
“Về cơ bản, các tổ hợp xét tuyển vẫn giữ nguyên như năm 2018. Bao gồm khối A00, C00, D01, D03, D04, D06, D78. D81, D82, D83. Tuy nhiên, một số ngành như Nhật Bản học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn chỉ xét tuyển ở các tổ hợp khối D vì có đặc thì về ngôn ngữ” - PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ tăng chỉ tiêu cho ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Báo chí, Tâm lý học vì khảo sát cho thấy trong vài năm tới nhu cầu nhân lực của xã hội rất cao. Song hành cùng với tăng số lượng tuyển, nhà trường đã có sự đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng.
Năm nay nhà trường vẫn thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2019 theo tổ hợp các môn/bài thi đã công bố Điểm trúng tuyển xác định theo từng tổ hợp các bài/môn thi xét tuyển.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường/khoa và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao, sau khi trúng tuyển và nhập học thí sinh có cơ hội được tuyển thẳng và xét tuyển vào các chương trình đào tạo chất lượng cao thuộc các ngành Khoa học quản lý, Lịch sử, Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Triết học và Văn học nếu đảm bảo các yêu cầu theo quy định của trường.
Nhà trường vẫn duy trì thực hiện đào tạo cùng lúc hai chương trình (bằng kép). Theo đó, sau khi học hết năm thứ nhất, sinh viên chính quy có cơ hội học thêm một ngành thứ hai. Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo của cả hai ngành sẽ được nhận hai bằng cử nhân chính quy.
Nguồn Báo điện tử Kinh tế & Đô thị