CỔNG THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG LỚN NHẤT VIỆT NAM

Trường tư lo giảm nguồn tuyển khối sức khỏe

Cập nhật: 15/02/2019

Việc đặt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào phải là học sinh giỏi lớp 12 khi xét tuyển vào các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt sẽ khiến cho trường ngoài công lập khó khăn hơn trong tuyển sinh.

Trong năm 2018, việc đặt ngưỡng điểm đầu vào chỉ được áp dụng với khối ngành sư phạm. Năm 2019 có thêm nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy, trong mùa tuyển sinh năm 2019 có 2 nhóm ngành được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định ngưỡng điểm đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Nhiều trường mở mới ngành sức khỏe

Ở khối trường công lập, nhóm ngành sức khỏe hầu như chỉ được đào tạo ở những trường đào tạo chuyên biệt như Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược Thái Bình, Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế... Nhưng ở khối trường ngoài công lập, nhóm ngành sức khỏe hiện được khá nhiều trường đào tạo.

Trong thông báo tuyển sinh năm 2019, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh 5 ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, gồm: Răng hàm mặt, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng và dự kiến mở thêm 2 ngành mới là Hộ sinhY đa khoa.

Trường ĐH Công nghệ TP HCM năm nay tiếp tục tuyển sinh ngành Dược học và dự kiến mở 2 ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm y học, y học. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bên cạnh 3 ngành đang tổ chức đào tạo là Y học dự phòng, Dược học, Điều dưỡng thì năm nay trường dự kiến mở mới ngành Y khoa… Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng tuyển sinh ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng…

Đại diện một trường ĐH cho biết vài năm gần đây, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe tuyển sinh rất tốt nên các trường ĐH, CĐ mở ngành và điểm xét tuyển cũng hạ xuống mức thấp chưa từng có như năm 2018 để tuyển mà bỏ qua yếu tố chất lượng đầu vào.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe trong thời gian qua là đáng báo động bởi thiếu sự kiểm soát, từ đó cần thiết phải siết chất lượng ngay từ đầu vào.

Trường tư khó hút học sinh giỏi

Năm 2019, Bộ GD-ĐT áp dụng điểm sàn đối với tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe. Với việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra một mức điểm sàn cụ thể; với việc xét tuyển dựa vào kết quả học bạ, thí sinh xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt; tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá đối với các ngành còn lại.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, sau khi có điểm, bộ sẽ đưa ra một mức điểm để các trường đào tạo ngành y cùng chấp nhận được.

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn lo lắng về nguồn tuyển. Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP HCM cho rằng để xếp loại giỏi, điểm trung bình của học sinh phải từ 8.0 trở lên kèm điều kiện phụ là toán hoặc văn phải từ 8.0 trở lên, các môn khác không môn nào dưới 6,5. Cách của bộ là xét học sinh giỏi toàn diện trong khi tuyển sinh để đào tạo cần những học sinh có tố chất ở những lĩnh vực khác nhau. Thay vì yêu cầu học sinh có học lực lớp 12 xếp loại giỏi thì quy định điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển sẽ phù hợp hơn.

ThS Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng quy định điểm sàn đối với nhóm ngành đào tạo sức khỏe là đúng đắn nhằm ngăn chặn các trường tuyển thí sinh có điểm đầu vào thấp. Không thể làm hài lòng các trường bằng cách thả nổi chất lượng đầu vào bởi điều đó ảnh hưởng nhiều đến quá trình đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.

Điểm sàn y dược sẽ ở mức nào?

Một chuyên gia cho rằng quy định xét tuyển bằng học bạ đối với học sinh có học lực giỏi lớp 12 sẽ là quy định quá cao có thể làm giảm nguồn tuyển của các trường tư. Ngay như nhóm ngành sư phạm, năm 2018 khi bộ áp dụng điểm sàn thì các trường ĐH, CĐ sư phạm tuyển cũng chỉ đạt 76,84% chỉ tiêu. Tuy nhiên, điểm chuẩn khối ngành sức khỏe ở các trường công từ trước đến nay vốn rất cao; ở các trường tư đây cũng là những ngành điểm chuẩn cao nhất. Chính vì thế, ngưỡng đầu vào khối sức khỏe có khả năng cao hơn cả ngưỡng đầu vào của các ngành sư phạm (năm 2018: 17 điểm hệ ĐH, 15 điểm hệ CĐ).

 

Nguồn theo Báo Người Lao Động

Tin tức liên quan

Dẫn chứng là gì? Cách lấy dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội tạo ấn tượng với người chấm 09:54 03/06/2019 Trong phần nghị luận xã hội, việc lấy dẫn chứng là vô cùng cần thiết. Khi thiếu thao tác này, coi... Kỹ năng nhận biết các dạng biểu đồ trong đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT 16:32 21/05/2019 Có nhiều câu hỏi trong đề thi môn Địa lý THPT quốc gia yêu cầu thí sinh chọn biểu đồ thích hợp... Thi THPT quốc gia 2020: Nên dùng bút chì loại nào để tô trắc nghiệm? 11:02 16/06/2019 Hầu hết các môn thi tốt nghiệp THPT 2020 đều thuộc dạng trắc nghiệm. Vì thế, việc chọn loại bút... 300 câu hỏi trắc nghiệm trọng tâm về Atlat Địa lý cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT 11:25 28/05/2019 Trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý sẽ có các câu hỏi kiểm tra kỹ năng khai thác Atlat của... Các trường Đại học tốt ở Hà Nội dành cho dân khối D 15:46 14/05/2019 Dưới đây là danh sách các trường uy tín về khối D để bạn tham khảo.  Trường ĐH Hoa Sen tổ chức thi đánh giá năng lực 09:45 20/02/2019 Trường ĐH Hoa Sen vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2019. Trong đó, có phương án thi đánh giá... Toàn bộ kiến thức để làm phần ĐỌC HIỂU môn Ngữ Văn 09:21 11/05/2019 Tuyển sinh số xin tổng hợp lại toàn bộ kiến thức cần nắm rõ để làm phần đọc hiểu giúp các thí...
Thông tin liên hệ
  • tuyensinhso.com@gmail.com
DMCA.com Protection Status
Giới thiệu | Bản quyền thông tin | Chính sách bảo mật