Trước thực tế có nhiều sinh viên bỏ học sau khi học hết năm thứ nhất do không đam mê với ngành học, một số trường đại học (ĐH) đề nghị Bộ GD&ĐT nên hạn chế nguyện vọng (NV) của thí sinh trong đợt xét tuyển năm 2019.
Chỉ nên cho phép 5 nguyện vọng
Nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, mấy năm nay, Bộ GD&ĐT chủ trương không khống chế thí sinh đăng ký NV xét tuyển. Tuy nhiên, tình trạng sinh viên nghỉ học sau khi theo học một thời gian khá nhiều. “Có tới hơn 5% trên tổng số sinh viên đỗ vào trường đã bỏ học sau hai học kỳ đầu tiên. Lý do bởi các em đăng ký tới 6, 7 NV nhưng lại trúng tuyển ở NV gần cuối cùng” - TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Giao thông vận tải giải thích.
Có những ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký nhiều NV đáp ứng được tính nhân văn của ngành đối với người học trong giáo dục và thi cử. Từ quan niệm này, theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, việc mở nhiều NV cho thí sinh không có bất cập, nhất là khi Bộ GD&ĐT đã có phần mềm sàng lọc ảo. Thí sinh đăng ký nhiều NV nhưng chỉ neo đậu ở 1 NV là chuyện bình thường. Nhưng, dưới góc độ chuyên môn và định hướng ngành nghề, PGS Anh Tuấn cho rằng Bộ GD&ĐT nên cân nhắc giới hạn NV. “Điều này nhằm ngoại trừ nguy cơ học sinh đỗ ở NV thấp quá thì sau này vào học, sự gắn bó với trường, tính yêu nghề và gắn bó với nghiệp không cao. Việc đó sẽ gây ra hậu quả rất lớn cho nhiều bộ phận khác nhau như đảo lộn trong đào tạo; gia đình tốn kém tiền bạc; người học lãng phí về thời gian, học phí, chi phí sinh hoạt. Bộ nên cân nhắc chỉ cho thí sinh lựa chọn 5 NV đã là nhiều” - PGS Anh Tuấn kiến nghị.
Thực tế, những năm qua, dù Bộ GD&ĐT đã cho phép thí sinh được thoải mái đăng ký nhưng theo thống kê, đa số các thí sinh chỉ đăng ký trung bình 3 NV. Vì thế, việc giới hạn NV vẫn tạo cơ hội cho thí sinh lựa chọn được ngành nghề mình yêu thích.
Mở rộng tư vấn truyền thông
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nên tăng cường truyền thông tuyển sinh để thí sinh và người nhà hiểu nhằm định hướng ngành nghề ngay từ ban đầu. Nhận thức rõ sức mạnh của truyền thông nên tại thời điểm này, nhiều trường ĐH đã in tờ rơi giới thiệu về trường, khoa, ngành và chuyên ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, khối xét tuyển, cơ hội việc làm khi ra trường. Nhiều trường đã thành lập các tổ truyền thông làm nhiệm vụ tư vấn trực tiếp, trực tuyến để trả lời câu hỏi của thí sinh thông qua website, fanpage, facebook… Năm 2019 này, mô hình “đại sứ sinh viên” vẫn đang được nhiều trường ĐH thực hiện bởi mang lại hiệu quả thiết thực. Từng nhóm sinh viên đã được tập huấn cách tư vấn lan tỏa đến trường THPT - nơi đã từng học để giới thiệu cho các em học sinh khóa sau về trường mình đang theo học. Trường ĐH ấy có những truyền thống, đặc điểm gì, chủ trương phát triển mô hình đào tạo, thuận lợi và thử thách đối với sinh viên…
Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, thí sinh rất khó xác định mình làm được gì, thích nghề gì nhất, sở trường ra sao. Vì thế việc chọn ngành chỉ có tính chất tương đối, quan trọng hơn là thái độ đối với việc học. Chẳng hạn, khi đã chọn ngành rồi, các em phải học tập nghiêm túc, phấn đấu hết mình. Còn nếu thấy học khó lại nản, thời gian qua đi, cơ hội đến không biết nắm bắt thì rất khó thành công. Còn việc tư vấn chọn ngành theo nhu cầu nhân lực cũng rất khó vì nền kinh tế của đất nước đang phát triển, biến động nghề nghiệp diễn ra rất mạnh nên người học phải thích ứng. Về phía các nhà trường ĐH nên thực hiện đào tạo trên diện rộng với những kiến thức căn bản.
"Thí sinh không nên chạy theo ngành quá hẹp hoặc chắc chắn đầu ra bởi thời điểm này có thể lĩnh vực A đang thiếu nhân lực nhưng 3 - 4 năm sau vị trí việc làm đó đã thay đổi. Điều căn bản đối với người học là kiến thức nền tảng, được trang bị phương pháp học tập, nghiên cứu, là hành trang học tập suốt đời." - PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân
Nguồn theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị