Bộ GD&ĐT đã đưa những tiêu chuẩn riêng về tuyển sinh đối với hai ngành sư phạm và y khoa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2019. Theo đó, hai ngành đặc thù nói trên sẽ có ngưỡng sàn riêng để các trường chủ động xây dựng phương án xét tuyển. Không giống các ngành đào tạo khác, điểm sàn vẫn chưa kết thúc “sứ mệnh” ở những ngành đặc thù.
Y và sư phạm, vẫn cần một “ngưỡng đảm bảo đầu vào”
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2019, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp; các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định thêm, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề như sau: Cụ thể, đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên: Trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Trình độ CĐ, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH: Tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với các ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt; tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá đối với các ngành còn lại.
Từ khi có Luật GDĐH, các trường được tự chủ tuyển sinh và khi cách đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục ĐH tập trung vào cả đầu ra, thì điểm sàn không còn cần thiết nữa. Năm 2018, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ điểm sàn, chỉ giữ lại ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với ngành sư phạm vì thực tế cho thấy, có những ngành đào tạo sư phạm, đào tạo những người thầy mà chỉ 10 điểm ba môn đã trúng tuyển.
Nếu bỏ ngưỡng đầu vào ngành này, điều đó dẫn đến chất lượng đầu vào cũng sẽ thấp theo. Tương tự khối sư phạm, khối đào tạo y cũng có nhiều trường, nhiều hệ, đòi hỏi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu. Vì thế, dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2019 yêu cầu cả khối y cũng cần “điểm sàn”.
Các trường đào tạo ngành đặc thù đổi mới trong tuyển sinh
Cũng theo tinh thần dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy nói trên, các trường được yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành.
Các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (các trường đặc thù): Xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển và thực hiện quy trình xét tuyển quy định tại khoản 5 Điều 13 của Quy chế.
Năm nay các trường đào tạo khối ngành giáo viên sẽ có những điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh. Đáng lưu ý, một số trường sẽ bổ sung phương thức xét tuyển bằng học bạ cho các ngành này. Trường ĐH Đà Lạt dự kiến sẽ mở lại 2 ngành sư phạm (giáo dục tiểu học và sư phạm tin học), mỗi ngành tuyển 20 chỉ tiêu. TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết 2 ngành này là ngành cũ, đã có mã ngành trước đó nhưng tạm dừng tuyển sinh trong vài năm gần đây do nhu cầu người học hạn chế. Không chỉ điều chỉnh ngành, một trong các điểm mới trong tuyển sinh các ngành đào tạo ngành giáo viên là bổ sung thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ Y tế và các trường đang đào tạo các ngành y-dược trên cả nước tính toán để có mức điểm sàn được các vùng miền, xã hội chấp nhận. Rất có thể, những trường có đào tạo những ngành này sẽ đa dạng hơn phương án tuyển sinh để giải quyết bài toán: Vừa đảm bảo ngưỡng đầu vào, vừa đủ người học.
Nguồn theo Báo điện tử Pháp lật và Xã hội