CỔNG THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG LỚN NHẤT VIỆT NAM

Tuyển sinh sư phạm khởi động chật vật

Cập nhật: 15/02/2019

Nhiều năm gần đây, ngành sư phạm tuyển sinh hết sức chật vật và nhiều vấn đề không hay liên tục xảy ra ở mỗi mùa tuyển sinh như điểm đầu vào thấp, hàng ngàn giáo viên bị sa thải ở nhiều địa phương, sinh viên không có việc làm…

Năm nay, với việc Trường ĐH Sư phạm TPHCM đưa ra phương án tuyển sinh dự kiến có quy định điều kiện về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên (nam phải cao từ 1,55m trở lên, nữ cao từ 1,5m trở lên) đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, trong đó nhiều ý kiến phản đối.

Giảm chỉ tiêu, bằng điểm sàn vẫn không có thí sinh

Nhìn lại kết quả tuyển sinh khối ngành sư phạm năm 2018 (hệ ĐH và cao đẳng - CĐ) thì thấy một bức tranh hết sức ảm đạm.

Sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên tiếp tục xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu cho các ngành sư phạm, mặc dù điểm chuẩn tất cả các ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT: hệ ĐH là 17 điểm, CĐ 15 điểm.

Trong tổng số 215 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường này, các ngành sư phạm chiếm đến 140 chỉ tiêu. Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, trong tổng số 744 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung thì các ngành sư phạm chiếm đến 550 chỉ tiêu.

Trong đó, nhiều ngành không có thí sinh (TS) trúng tuyển đợt 1 và phải tuyển bổ sung 100% chỉ tiêu như Sư phạm Vật lý 90 chỉ tiêu, Sư phạm Lịch sử 60 chỉ tiêu, Sư phạm Sinh học 60 chỉ tiêu. Ngành Sư phạm Toán học đợt 1 chỉ có 50 TS trúng tuyển so với tổng chỉ tiêu là 120.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng phải tuyển bổ sung đến 190 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Lịch sử. Đáng nói là trường này sử dụng cả 2 phương án để xét tuyển bổ sung gồm: kết quả thi THPT quốc gia 2018 và theo đề án tuyển sinh riêng của trường. Các ngành sư phạm Lý, Hóa, Sinh phải tuyển bổ sung 100% chỉ tiêu.

Trong khi đó, kết thúc đợt 1, tại nhiều trường ĐH, CĐ sư phạm ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều ngành không có TS đăng ký. Tại Trường ĐH Đồng Nai, nhiều ngành sư phạm hệ ĐH và CĐ không có TS nào trúng tuyển trong đợt 1.

Thậm chí ngành Sư phạm Lịch sử và Sinh học chỉ 20 chỉ tiêu nhưng không có TS nào trúng tuyển. Các ngành hệ CĐ như Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Tin học cũng không có TS nào đăng ký trúng tuyển. Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận chỉ tuyển sinh 3 ngành trong năm nay, nhưng ngành Sư phạm Tin học không có TS trúng tuyển.

Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk tuyển sinh 7 ngành, kết quả mỗi ngành chỉ có vài TS trúng tuyển, như Sư phạm Toán học 3 TS, Sư phạm Tiếng Anh 3 TS, Sư phạm Ngữ văn 3 TS, Sư phạm Địa lý 2 TS, Sư phạm Sinh học chỉ có 1 TS.

Vẫn loay hoay tìm giải pháp

Kết quả tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 cho thấy, tổng chỉ tiêu tuyển giảm 38% so với năm 2017.

Cụ thể, tổng chỉ tiêu vào các trường sư phạm là 35.590, số chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia là 24.369 (giảm 22,8% so với năm 2017) và các phương thức khác là 11.221 (giảm 55,3%).

Tổng số nguyện vọng đăng ký là 125.261, giảm 29% so với năm 2017. Sự sụt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm là nguyên nhân tất yếu khi việc đào tạo tràn lan, không sát với dự báo.

Một cán bộ lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã nghỉ hưu cho biết: “Vấn đề giáo viên thất nghiệp, bỏ ngành diễn ra cả chục năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn cho các tỉnh phía Nam tiến hành rà soát, dự báo nhu cầu trong 5 năm, 10 năm nhưng không thấy địa phương nào làm. Đã vậy, nhiều tỉnh dù thừa giáo viên vẫn cử người đi học diện cử tuyển bằng nguồn ngân sách địa phương”.

Một nguyên nhân nữa khiến các trường sư phạm phải “vét” TS ở đợt bổ sung chính là điểm sàn Bộ GD-ĐT đưa ra, với mức 17 điểm cho hệ ĐH và 15 điểm cho hệ CĐ. Đề thi đã khó cùng với việc điểm sàn như trên cho thấy điểm chuẩn năm 2018 của ngành sư phạm cả nước khá cao, không còn cảnh 10 điểm/3 môn. Nhưng chính do mức điểm này, nhiều trường từ Bắc chí Nam đứng trước nguy cơ đóng cửa nhiều ngành sư phạm.

Theo PGS-TS Mỵ Giang Sơn, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, việc Bộ GD-ĐT giữ quyền công bố điểm sàn, các trường phải cắt giảm chỉ tiêu rất mạnh, là mong muốn tuyển chọn những người giỏi cho ngành.

Song vấn đề gốc rễ và căn cơ vẫn là việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường. Cần phải có một giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề việc làm và tiền lương cho ngành sư phạm phải được cải thiện đáng kể. Khi đó, ngành sư phạm chắc chắn không thiếu người giỏi theo học.

Việc Trường ĐH Sư phạm TPHCM đưa ra dự kiến tuyển sinh ngành sư phạm năm 2019 với điều kiện về chiều cao nói trên ngay lập tức làm dậy sóng dư luận xã hội, trong đó nhiều ý kiến phản đối.

Thực tế, việc trường đưa ra điều kiện như vậy hoàn toàn không sai, vì trong các văn bản quy định về tuyển sinh hay Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cũng không hề cấm các trường đưa ra các điều kiện cụ thể cho từng ngành.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngày 14-2, TS Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: “Nhà trường đưa ra điều kiện dự kiến và công khai để xã hội và TS tham khảo. Mục đích của quy định hoàn toàn không muốn “chặn” hay “đóng cửa” với bất cứ TS nào đam mê và yêu thích ngành sư phạm, mà mong muốn đào tạo ra giáo viên với thể trạng tốt và kiến thức chuyên môn vững vàng. Tuy nhiên, sau khi công bố thì nhà trường nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Và đến ngày 14-2, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của dư luận, quyết định gỡ bỏ điều kiện tuyển sinh nam phải cao từ 1,55m trở lên và nữ cao từ 1,5m trở lên”.

Thực tế cho thấy, việc Trường ĐH Sư phạm TPHCM công khai điều kiện tuyển sinh dự kiến trong năm 2019 là cách làm tiên phong trong khi cả hệ thống đang loay hoay tìm cách giải cứu cho ngành sư phạm.

Song vấn đề ở đây là cách làm chưa thuyết phục và cần phải có cơ sở khoa học rõ ràng để dư luận đồng tình. Việc vực dậy ngành sư phạm không thể làm cách riêng lẻ, mà cần phải có một giải pháp tổng thể từ chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra, lương bổng và những chính sách đặc thù cho ngành sư phạm.

Một khi có được chính sách vĩ mô hợp lý, khoa học và người giáo viên không phải lo vì đồng lương quá thấp, ra trường phải bỏ tiền chạy việc, thì khi đó ngành sư phạm không phải chịu nhiều tai tiếng khi mỗi mùa tuyển sinh lại đến.

Nguồn theo Báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng

Tin tức liên quan

Dẫn chứng là gì? Cách lấy dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội tạo ấn tượng với người chấm 09:54 03/06/2019 Trong phần nghị luận xã hội, việc lấy dẫn chứng là vô cùng cần thiết. Khi thiếu thao tác này, coi... Kỹ năng nhận biết các dạng biểu đồ trong đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT 16:32 21/05/2019 Có nhiều câu hỏi trong đề thi môn Địa lý THPT quốc gia yêu cầu thí sinh chọn biểu đồ thích hợp... Thi THPT quốc gia 2020: Nên dùng bút chì loại nào để tô trắc nghiệm? 11:02 16/06/2019 Hầu hết các môn thi tốt nghiệp THPT 2020 đều thuộc dạng trắc nghiệm. Vì thế, việc chọn loại bút... 300 câu hỏi trắc nghiệm trọng tâm về Atlat Địa lý cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT 11:25 28/05/2019 Trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý sẽ có các câu hỏi kiểm tra kỹ năng khai thác Atlat của... Các trường Đại học tốt ở Hà Nội dành cho dân khối D 15:46 14/05/2019 Dưới đây là danh sách các trường uy tín về khối D để bạn tham khảo.  Trường ĐH Hoa Sen tổ chức thi đánh giá năng lực 09:45 20/02/2019 Trường ĐH Hoa Sen vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2019. Trong đó, có phương án thi đánh giá... Toàn bộ kiến thức để làm phần ĐỌC HIỂU môn Ngữ Văn 09:21 11/05/2019 Tuyển sinh số xin tổng hợp lại toàn bộ kiến thức cần nắm rõ để làm phần đọc hiểu giúp các thí...
Thông tin liên hệ
  • tuyensinhso.com@gmail.com
DMCA.com Protection Status
Giới thiệu | Bản quyền thông tin | Chính sách bảo mật