Được đánh giá là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của đất nước, nông nghiệp vẫn đang được chú trọng đầu tư và phát triển. Tuy không “hot” bằng các khối ngành kinh tế và truyền thông, song nông nghiệp vẫn được rất nhiều thí sinh quan tâm. Dưới đây, bài viết xin chia sẻ thông tin tổng quan về ngành Nông nghiệp.
1. Tìm hiểu về ngành Nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng, còn bao gồm cả lâm nghiệp, thủy sản.
Chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản và hiện đại về lĩnh vực sản xuất và quản lý sản xuất nông nghiệp. Các kiến thức và kỹ năng cốt lõi của ngành liên quan đến tiến bộ khoa học nông nghiệp trên thế giới như: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vi sinh, công nghệ bảo quản, chế biến... Sau khi tốt nghiệp sinh viên có khả năng quản lý sản xuất chăn nuôi và trồng trọt hiệu quả, bền vững, biết ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào thực tiễn trồng trọt và chăn nuôi...
2. Các khối thi vào ngành Nông nghiệp
- Mã ngành: 7620101
- Ngành Nông nghiệp xét tuyển các tổ hợp môn sau:
A00: Toán - Lý - Hóa
B00: Toán - Hóa - Sinh
B08: Toán - Sinh - Tiếng Anh
3. Điểm chuẩn ngành Nông nghiệp
Điểm chuẩn ngành Nông nghiệp phụ thuộc vào từng đơn vị xét tuyển, có sự chệnh lệch giữa các trường top trên và trường top dưới. Điểm chuẩn ngành Nông nghiệp dao động trong khoảng 16- 18 điểm.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc tại những đơn vị sau:
Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, Viện nghiên cứu về nông nghiệp, Viện sinh học nhiệt đới, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Trung tâm Khuyến nông, Chi cục hay Trạm Bảo vệ Thực vật, các Trung tâm Giống cây trồng, các nông trường, nông trại, trang trại, các công ty nhà nước hay các liên doanh hoặc tư nhân trong kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).
Làm việc tại các công ty giống cây trồng, các công ty chuyên khoa học đời sống, công ty phân bón...
Làm việc tại các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các công ty chăm sóc cây trồng, công ty hóa chất nông nghiệp...
Tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo (trung học, cao đẳng, đại học nông nghiệp) hoặc học tiếp các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành.
6. Mức lương ngành Nông nghiệp
Mức lương của ngành phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí công tác, địa điểm làm việc, kinh nghiệm chuyên môn…Trong đó, mức lương của ngành dao động trong khoảng 5 - 13 triệu tùy từng vị trí công tác.
Mức lương trung bình của một Kỹ sư Nông nghiệp khoảng 11 triệu.
7. Những tố chất phù hợp với ngành Nông nghiệp
Để có thể theo học ngành Nông nghiệp, người học cần có một số tố chất sau;
Yêu thiên nhiên, môi trường;
Nhạy cảm và hòa hợp với thiên nhiên;
Thích chăm sóc vật nuôi, cây trồng;
Có khả năng nhớ tên và phân loại các loài động thực vật;
Thích các hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, làm vườn, lặn biển);
Thu thập hay nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của thiên nhiên;
Thích xem các chương trình, thông tin về thế giới tự nhiên;
Giỏi các môn tự nhiên như sinh học, hóa học, địa lý.
Với những chia sẻ trên, bài viết hy vọng đã đem đến những thông tin hữu ích, giúp bạn tìm hiểu ngành Nông nghiệp hiệu quả.